Thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, đã được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh. Nhân dân đồng tình, đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm hành động của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Cho nên, nhiều cán bộ “dính chàm” ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ lo biết đâu hôm nay “pháp luật gọi tên mình”.

Bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc và ông Cao Duy Hải, nguyên Tổng Giám đốc Mobifone vừa bị bắt tạm giam để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. Hay ông Lê Bạch Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và ông Nguyễn Huy Ban, nguyên Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng bị bắt tạm giam. Trước đó, một số cán bộ sai phạm đã và đang bị pháp luật xử lý về tội tham ô, tham nhũng. Những cán bộ sai phạm này chủ yếu là người có chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp đã suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo tiền tài, địa vị, tùy tiện, vô nguyên tắc. Họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện để mưu lợi cho cá nhân, lợi ích nhóm. Tình trạng này không chỉ làm giảm uy tín của Đảng, giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, mà còn tác động xấu tới lý tưởng, niềm tin, lối sống của lớp trẻ hiện nay.

Nếu trước đây, cán bộ coi nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”, “ăn ngon, ngủ kỹ”, hay số cán bộ sai phạm đã chuyển công tác dù tội lỗi có lớn đến đâu, đều cho rằng không liên đới thì nay không còn chuyện đó. Dù chuyển công tác hay về hưu, nếu có sai phạm vẫn phải chịu trách nhiệm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng trả lời cử tri, trong lộ trình và phương cách phòng chống tham nhũng, “sai đến đâu, xử đến đó” một cách kiên trì, bền bỉ, liên tục, có lộ trình, nghiêm khắc và nhân văn. Hôm nay phát hiện sai phạm này thì xử mức này, ngày mai phát hiện sai phạm tiếp thì xử lý tiếp, kể cả khi đã chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu. Toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng để “thanh lọc” đảng viên thoái hóa, biến chất, bảo vệ kỷ cương phép nước, bảo vệ đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc, bảo vệ công bằng, bình đẳng xã hội, tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh cho đất nước phát triển bền vững.

Cần khẳng định, trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, hàng triệu cán bộ, đảng viên đã chịu đựng gian khổ, phấn đấu, cống hiến, hy sinh, trung thành với Đảng, với lợi ích của dân tộc để xây dựng đất nước như ngày nay. Nhiều cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước, đưa dân tộc tiến những bước vĩ đại, vững chắc. Họ đã trở thành tấm gương liêm khiết, là người đầy tớ trung thành, đầy tớ giỏi được Đảng, nhân dân ghi nhận, tôn vinh.

Hiện nay, các cấp, các ngành và nhân dân đang tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong đó, tai mắt nhân dân như những ngọn đèn pha soi sáng để phát hiện, đấu tranh với tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Nếu ai đã trót “nhúng chàm”, hãy tự nhận ra sai lầm, tự gột rửa và đừng để “pháp luật gọi tên mình”.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Bình chọn
      Thống kê: 781.841
      Online: 26