Đã nhiều lần về với Hưng Yên để thâm nhập viết tin, bài về công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Song mỗi lần gặp gỡ, trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh hay tiếp xúc với cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị và “mục sở thị” lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên (DQTV-DBĐV) huấn luyện, diễn tập…tôi lại có dịp cảm nhận rõ hơn về sự nỗ lực phấn đấu của những người con Hưng Yên hôm nay.

 

Truyền thống và động lực

Trở lại Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên lần này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của đơn vị. Từ cổng ra vào đến Sở chỉ huy, nhà nghỉ và khuôn viên của khối cơ quan Bộ CHQS tỉnh…đều được quy hoạch khoa học, xây mới khang trang, xanh, sạch, đẹp.

Trò chuyện với chúng tôi, nét mặt Trung tá Nguyễn Quang Tuyên, Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh,  lộ rõ niềm vui. Trung tá Nguyễn Quang Tuyên khoe với chúng tôi: “Từ khi được cấp trên và địa phương quan tâm đầu tư xây dựng doanh trại mới, cán bộ, nhân viên các cơ quan Bộ CHQS tỉnh ai cũng rất vui và phấn chấn trong thực hiện nhiệm vụ”.

Đang mải ngắm nghía diện mạo mới của đơn vị thì Đại tá Lê Văn Cửu, Chính ủy và Đại tá Nguyễn Chí Công, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh vừa đi kiểm tra từ cơ sở về. Sau cái bắt tay thật chặt và trò chuyện ít phút, các anh lại tất bật chuẩn bị cho cuộc họp Thường vụ Đảng ủy. Trước khi đi, anh Công còn nói nhỏ với chúng tôi: “Công việc của quân địa phương vốn đã nhiều, thời điểm cuối năm lại càng nhiều. Mong các đồng chí nhà báo thông cảm”!

Đến Phòng chính trị, chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Anh Lộc, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh đang kiểm tra các nội dung chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT tỉnh Hưng Yên (1-4-1947 / 1-4-2017). Đại tá Nguyễn Anh Lộc cho hay: “Mặc dù thời điểm cuối năm công việc dồn nhiều, nhưng từ nay tới thời điểm diễn ra lễ kỷ niệm không còn là mấy nên anh em cơ quan chính trị cơ quan Bộ CHQS tỉnh và các huyện, thị thành phố, cấp xã đều phải tranh thủ mọi thời gian để hoàn thành công tác chuẩn bị”.

Thế đấy! Công việc của những cán bộ, nhân viên cơ quan Bộ CHQS tỉnh tưởng chừng đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng không kém phần vất vả, sôi động như các đơn vị đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tôi đã nhiều lần bắt gặp trời nắng trang trang, thế nhưng cán bộ, nhân viên 4 cơ quan (Chính trị, Tham mưu, Hậu cần, Kỹ thuật) của Bộ CHQS tỉnh vẫn “Vượt nắng thắng mưa” sôi nổi luyện tập Điều lệnh đội ngũ, bắn súng….Theo như Đại tá Đào Quang Kiền, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh thì việc học tại chức của cán bộ, nhân viên đơn vị không chỉ giúp cho mỗi người nâng cao kiến thức, kỹ năng quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật mà còn là cơ sở để mỗi người phát huy tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn chỉ đạo cơ quan quân sự cấp dưới tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương ngày một hiệu quả hơn.

Có lần về Bộ CHQS tỉnh công tác đúng vào dịp thời tiết đang đợt rét đậm, rét hại. Đêm hôm khuya khoắt, ngoài trời mưa rét, cái lạnh tê tái khiến người ta có cảm giác ái ngại khi phải đi ra ngoài đường. Kim đồng hồ đã chỉ hơn 22 giờ, ngồi trong nhà khách của Bộ CHQS tỉnh nhìn qua khe cửa thấy thấy phòng làm việc của các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh vẫn sáng đèn. Còn mấy đồng chí cơ quan tham mưu quân phục chỉnh tề, lóc cóc dắt xe máy đi ra phía cổng đơn vị. Để thỏa trí tò mò tôi liền đi sang phía dãy nhà làm việc của khối cơ quan. Vừa đến tiền sảnh đã thấy Đại tá Nguyễn Chí Công đang dặn dò cấp dưới.

Như hiểu những thắc mắc của tôi, anh Công giải thích: “Để bảo đảm an toàn dịp Tết dương lịch, các cơ quan cử người xuống các địa phương, cơ sở để kiểm tra công tác trực ban, trực chiến, trực chỉ huy. Qua đó, trong giao ban kịp thời biểu dương những tập thể chấp hành nghiêm các quy định, đồng thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những hạn chế còn tồn tại”. Trò chuyện với đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh tôi được biết, không chỉ có Tết, mà các dịp diễn ra các sự kiện lớn của Đảng, quân đội, địa phương anh em từ cơ quan Bộ CHQS tỉnh đến cấp huyện và xã hầu như không có ngày nghỉ. Bởi công việc nhiều mà biên chế quân số thì ít. Ngay việc gác canh gác ở Bộ CHQS tỉnh, cán bộ, nhân viên cơ quan cũng phải thay nhau đảm trách”. Cũng đêm hôm đó, gần 23 giờ đêm Trung tá Nguyễn Quang Tuyên, Trưởng ban và Đại úy  Lê Văn Cường, Trợ lý Ban Tuyên huấn mới tắt điện rời phòng làm việc. Trung tá Nguyễn Quang Tuyên nói với tôi: “Công việc nhiều nên anh em trong ban luôn phải tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ. Có hôm về tranh thủ còn mang sổ sách về làm cho xong anh ạ”.

Trước khi về công tác tại Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh, Đại úy Lê Văn Cường, đã ngót gần 10 năm công tác ở Trường Sa. Sau nhiều năm gắn bó nơi “đầu sóng ngọn gió”, để hợp lý hóa gia đình, anh được trên tạo điều kiện chuyển vùng về quê nhà công tác. Cường tâm sự: “Trước khi về Bộ CHQS tỉnh công tác, em nghe mọi người nói bộ đội địa phương nhàn lắm. Người ta bảo là về đó ngày ngày “cơm nhà má vợ”. Ngừng một lát Cường lại tiếp:  “Nhưng khi về công tác ở đây thì em mới hiểu rõ thế nào là nhiệm vụ quân sự địa phương.  Nói là ở gần nhà đấy, nhưng không phải gia đình ai cũng gần đơn vị và không phải tối nào và ngày nghỉ cuối tuần nào cán bộ, nhân viên Bộ CHQS tỉnh cũng được về. Như nhà em cách cơ quan gần 30 ki-lô-mét nhưng cũng phải 1 tuần, nếu như công việc nhiều thì hai tuần mới về nhà một lần. Nói cho cùng trong LLVT  nhiệm vụ nào cũng là nhiệm vụ, nhưng được công tác ở quê hương mình, được gần vợ con gia đình và người thân vẫn là điều hạnh phúc của mỗi người lính”.

Quả vậy! Có trực tiếp thực hiện nhiệm thì mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả của công tác quốc phòng, quân sự địa phương.  Tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết cán bộ, nhân viên thuộc Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS cấp huyện ở Hưng Yên đều có thời gian công tác ở các đơn vị chủ lực, cơ sở, hoặc từng qua chiến đấu rồi mới về công tác ở tỉnh nhà. Đơn cử như Đại tá Lê Văn Cửu, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, sau khi nhập ngũ anh đã tham gia trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Cam-pu-chia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ cao cả, anh được trên cử đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Trước khi trở thành Chính ủy Bộ CHQS tỉnh anh đã công tác ở nhiều đơn vị, với những cương vị khác nhau. Dẫu ở lĩnh vực công tác nào là cán bộ quân sự hay chính trị anh đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Là người lãnh đạo văn võ song toàn và có tác phong công tác khoa học, lối sống giản dị, hòa đồng nên anh luôn được cán bộ, nhân viên đơn vị và các đồng chí lãnh đạo, dân chính Đảng địa phương tín nhiệm.

Tôi đang miên man suy nghĩ về công việc của những cán bộ, nhân viên Bộ CHQS tỉnh thì Đại tá Nguyễn Anh Lộc, chìa cuốn Lịch sử LLVT tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 1947-2017???). Anh nói: “Sau nhiều lần hội thảo xin ý kiến các “bậc tiền bối”, Bộ CHQS đã hoàn chỉnh và xuất bản cuốn này. Đây sẽ là những nội dung bổ ích để các thế hệ sau hiểu hơn và tự hào với truyền thống của quê hương, của LLVT tỉnh Hưng Yên anh hùng”.

Lật giở và đọc từng trang sử của LLVT Hưng Yên, giúp chúng tôi thêm hiểu rõ hơn về truyền thống của mảnh đất địa linh nhân kiệt, từ xưa đã được mệnh danh là đứng thứ hai sau Kinh Kỳ-cổ nhân có câu “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Bởi thế, nói đến Hưng Yên là người ta nghĩ đến mảnh đất có truyền thống văn hiến, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn. Theo sử sách, tỉnh Hưng Yên tổng kết qua các thời kỳ có 8 trạng nguyên trên tổng số 53 trạng nguyên của cả nước; 228 người thi đỗ đại khoa được ghi danh ở bia Văn Miếu (thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên). Không chỉ vậy, trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào và lĩnh vực nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn ghi như: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trung Ngạn, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Nghị, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Lê Hữu Trác, Phạm Huy Thông, Nguyễn Công Tiễu... Đặc biệt trong lịch sử hiện đại, Hưng Yên có nhiều nhà chính trị nổi tiếng như Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương,... các chiến sĩ anh hùng cách mạng như: Tô Hiệu, Bùi Thị Cúc... Đó là những người con ưu tú của Hưng Yên, đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Tình yêu quê hương, yêu đất nước và ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm của những người con quê hương Hưng Yên đã làm nên “Bãi Sậy kiên cường”, phong trào Nữ du kính Hoàng Ngân nổi tiếng, những làng kháng chiến kiểu mẫu và “Đường 5 bất khuất”…

Trong giai đoạn 1968 - 1996, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến Hạng Nhất và hai lần thưởng cờ Luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong giai đoạn 1997 – 2005, tỉnh có 10/10 huyện, thành phố, 73 xã, phường, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2.042 mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn tặng thưởng hàng vạn huân, huy chương các loại cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy tốt vai trò tham mưu

Buổi chiều đó, các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã có buổi làm việc với các phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Trong không khí ấm áp, chân tình, Đại tá Lê Văn Cửu tự hào giới thiệu khái quát với chúng tôi về truyền thống của LLVT Hưng yên: “Cùng với bề dày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam 71 năm qua, LLVT tỉnh Hưng yên không ngừng lớn mạnh. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến nay LLVT tỉnh đã phát triển không ngừng với lực lượng hùng hậu gồm: Bộ đội thường trực, DQTV và lực lượng DBĐV. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, LLVT tỉnh đã phát huy cao độ phẩm chất anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, cùng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh lập nên những chiến công vang dội, xây đắp nên truyền thống của quê hương Hưng Yên anh hùng, góp phần tô thắm trang sử chiến đấu và chiến thắng vẻ vang, đầy tự hào của dân tộc, hun đúc nên truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, kiên cường, chiến thắng”. 

Đồng chí Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: “Rõ ràng yếu tố địa linh nhân kiệt và sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà còn là động lực to lớn để LLVT tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) của tỉnh”.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Chí Công cho biết: “Một trong những nét tiêu biểu của LLVT tỉnh Hưng Yên thời gian qua là đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp quán triệt thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Chính phủ về xây dựng tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, sẵn sàng chiến đấu của LLVT tỉnh; Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở kiện toàn tổ chức biên chế, LLVT tỉnh thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị, nâng cao trình độ chỉ huy, quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp, xây dựng toàn diện cả lực lượng thường trực, DQTV, DBĐV đủ số lượng, có chất lượng cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.  Theo đó, từ năm 2004 đến năm 2015, đã tổ chức 3 khóa đào tạo Chỉ huy trưởng Quân sự xã, phường, thị trấn cho 177 đồng chí, đào tạo 3 khóa lớp Trung cấp quân sự cho 133 đồng chí, hoàn thiện 2 khóa Trung cấp quân sự cho 102 đồng chí đạt kết quả khá; thành lập 42 Ban CHQS trong các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, cấp huyện và duy trì hoạt động có nền nếp. Lực lượng DQTV tỷ lệ so với dân số từ 1,7% - 1,75%; tỷ lệ đảng viên từ 18% - 18,9%, tỷ lệ đoàn viên từ 61% - 61,2%; lực lượng DBĐV thường xuyên làm tốt công tác quản lý, phúc tra bảo đảm chất lượng tốt, tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 90,6%, đã xếp đủ nguồn DBĐV cho các đơn vị nhận nguồn của Bộ, Quân khu 3 và của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyển quân hàng năm hoàn thành 100% chỉ tiêu, chất lượng tốt.

Nói đến công tác tuyển quân tôi lại nhớ hồi đầu năm 2014, trước ngày giao quân, UBND huyện Văn Giang chỉ đạo Ban CHQS và Huyện đoàn phối hợp với Hội CCB tổ chức buổi giao lưu giữa các nhân chứng lịch sử và các thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Buổi giao lưu có sự hiện diện của Đại tá Hoàng Đăng Vinh, Anh hùng LLVT nhân dân, người chiến sĩ năm xưa đã trực tiếp cầm cờ và bắt sống tướng Đờ Cát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cách nói chuyện mộc mạc, pha chút dí dỏm của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi thanh niên Văn Giang. Những kỷ niệm của Anh hùng Hoàng Đăng Vinh, người còn của quê hương Phù Cừ-Hưng Yên đã góp phần tiếp lửa cho các chàng trai trước lúc lên đường thêm tự tin, tự hào với truyền thống quê hương đất nước, quân đội, để từ đó phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đại tá Lê Văn Cửu cho rằng, trước tác động của cơ chế thị trường, hiện tượng thanh niên ngại khó, ngại khổ, thậm chí tìm mọi cách để trốn nghĩa vụ đang diễn ra khá phổ biến không chỉ có thành thị mà cả các vùng nông thôn của Hưng Yên. Tư tưởng mà không thông thì làm cái gì cũng khó. Xuất phát từ ý nghĩa đó, cùng với việc tích cực chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh ra các văn bản chỉ đạo về công tác tuyển chọn và gọi công dân trong độ tuổi nhập ngũ, hằng năm Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS cấp huyện phối hợp với Hội CCB và Đoàn thanh niên tổ chức tốt các buổi giao lưu nói chuyện truyền thống với các thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Cùng với đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và An ninh (QPAN) các cấp trong tỉnh chú trọng. Hằng năm, Hội đồng Giáo dục QPAN  các cấp đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng bảo đảm theo quy định. Từ năm 2010 đến 2016, Hội đồng Giáo dục QPAN các cấp đã bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng theo quy định, chất lượng; trong đó có 272 chức sắc, chức việc tôn giáo; 56 lãnh đạo các doanh nghiệp; 56 phóng viên báo, đài và gần 340 nghìn học sinh, sinh viên. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Đào Quang Kiền, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh LLVT thông tin với chúng tôi rằng: Trong điều kiện diễn biến phức tạp về chính trị, xung đột về sắc tộc và chiến tranh công nghệ cao ở các nước trên thế giới và khu vực, do đó việc xây dựng lực lượng,  huấn luyện là nhiệm vụ trong tâm trong thời bình của LLVT tỉnh. Do đó, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh luôn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập. Cùng với việc làm tốt chức năng tham mư­­u với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phư­ơng Đảng uỷ, Bộ CHQS tỉnh đã luôn coi trọng nhiệm vụ lãnh đạo và xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện. Thường xuyên duy trì nghiêm túc chế độ SSCĐ, phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn; hành năm Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị cơ sở đều xây dựng bổ sung, luyện tập các phương án chiến đấu, tổ chức diễn tập chỉ huy - cơ quan để không bị bất ngờ khi có tình huống. Tổ chức huấn luyện đúng phương châm, đúng nội dung, chương trình, thời gian; coi trọng huấn luyện cán bộ và các phân đội làm nhiệm vụ A2, quân số huấn luyện đối với lực lượng thường trực đạt từ 95% - 98%, DQTV từ 70,2% - 80,6%, DBĐV đạt 100%. Kết quả kiểm tra huấn luyện hàng năm, có 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% - 80% khá, giỏi, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Tổ chức tốt các cuộc hội thao, hội thi cấp Bộ CHQS tỉnh và tham gia nhiều cuộc hội thao, hội thi do Quân khu 3, Bộ Quốc phòng tổ chức đạt thành tích cao. Qua huấn luyện, diễn tập, hội thao, hội thi đã góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của từng cá nhân, phân đội và người chỉ huy các cấp cũng như khả năng vận dụng vào tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống của LLVT tỉnh. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chỉ đạo và tổ chức hàng chục cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, phòng, chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy - cơ quan và hàng trăm cuộc diễn tập chiến đấu trị an của các xã, phường, thị trấn… Đặc biệt là cuộc diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh năm 2014 với quy mô lớn, được đánh giá đạt chất lượng tốt, an toàn về mọi mặt.  

Xây dựng LLVT tỉnh ngày càng vững chắc

Đề cập về xây dựng KVPT tỉnh, Đại tá Nguyễn Chí Công, Chỉ huy trưởng trải lòng với chúng tôi rằng, Hưng Yên là tỉnh đồng bằng, nhân dân chủ yếu làm nghề thuần nông nên việc xây dựng KVPT gặp rất nhiều khó khăn. Cùng những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, ngân sách chi của tỉnh phải tập trung chủ yếu cho phát triển kinh tế, xã hội (KT-XH), vì vậy, ngân sách đầu tư cho xây dựng KVPT còn eo hẹp và chưa kịp thời. Nhận thức của số ít cán bộ lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn trong việc thực hiện Nghị định số 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về KVPT (Nghị định 152) còn hạn chế.

Trăn trở với những khó khăn đó, các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động rà soát và xây dựng Đề án, đồng thời tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định 152, Nghị quyết số 28 NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 28) và kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 3 về xây dựng KVPT, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng giai đoạn 2005-2010 và những năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành các văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ quốc phòng và an ninh giai đoạn 2006-2010, Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 30-10-2009 của Tỉnh ủy Hưng Yên, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 28 của UBND tỉnh. Từ đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về xây dựng và hoạt động KVPT, góp phần nâng cao chất lượng hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương hằng năm. Và với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp đã góp phần từng bước xây dựng các tiềm lực: Chính trị-tinh thần; kinh tế; quốc phòng và an ninh của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng KVPT.

Đại tá Nguyễn Chí Công cho rằng, để làm tốt vấn đề này, trước hết Hội đồng Giáo dục QPAN các cấp đã thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho nhân dân nhằm xây dựng thế trận làng, xã trong KVPT huyện, tỉnh vững mạnh. Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, tiềm lực KT-XH của tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện tốt chức năng tham mưu, lập và điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất hậu cần và lực lượng dự trữ SSCĐ cho LLVT trong KVPT. Định kỳ hằng năm, từng giai đoạn, Bộ CHQS tỉnh tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng, hoạt động KVPT của LLVT cả trong thời bình và thời chiến. Cùng với đó, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh luôn chủ động nắm chắc, điều chỉnh, bổ sung hệ thống kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ các cấp kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, hoạt động của KVPT. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức 1 cuộc diễn tập KVPT cấp tỉnh, 10 cuộc diễn tập cấp huyện, 65 cuộc diễn tập chỉ huy-cơ quan và 156 cuộc diễn tập chiến đấu trị an cấp xã; 20 ngành của huyện diễn tập QPAN. Cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp duy trì có nền nếp việc điều chỉnh quyết tâm, kế hoạch, văn kiện tác chiến phòng thủ, kế hoạch chiến đấu trị an cấp xã. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã động viên hơn 27.000 lượt quân nhân dự bị kiểm tra SSCĐ, huấn luyện, diễn tập các cấp, đạt 100% chỉ tiêu được giao. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được chỉ đạo chặt chẽ, đúng quy trình, đạt 100% chỉ tiêu được giao, chất lượng.

Đại tá Lê Văn Cửu cho rằng, xây dựng KVPT ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới luôn đòi hỏi có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Chính vì thế, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh xác định tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức tốt việc quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 về công tác QS, QP địa phương. Cùng với tổ chức luyện tập, diễn tập nâng cao khả năng chiến đấu và SSCĐ cho các lực lượng trong KVPT, các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng Kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh, Kế hoạch chuyển các hoạt động của địa phương vào các trạng thái quốc phòng và các kế hoạch động viên quốc phòng. Đồng thời, xây dựng thế trận KVPT, xây dựng và tu sửa các công trình quốc phòng, khu quân sự, bố trí thiết bị chiến trường phù hợp với quyết tâm, kế hoạch tác chiến trong KVPT, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng KVPT, góp phần xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững chắc.

Là đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân, những năm qua, LLVT tỉnh luôn dựa vào dân để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống yên bình của nhân dân. Đại tá Nguyễn Anh Lộc, Phó Chính ủy nêu kinh nghiệm: “Để nhân dân luôn tin vào Đảng, Nhà nước và quân đội, LLVT tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, tăng cường thế trận lòng dân; chủ động giúp nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, LLVT tỉnh còn là lực lượng nòng cốt và xung kích trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ và nguy hiểm nhất để giúp đỡ nhân dân...”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, thực hiện phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", từ năm 2011 đến nay LLVT tỉnh đã huy động được hàng nghìn ngày công, hàng trăm lượt phương tiện, công cụ hỗ trợ cùng với địa phương làm mới đổ bê tông 30,5km và nâng cấp 15,7km đường giao thông nông thôn, với tổng số tiền và ngày công trị trá trên 1,9 tỷ đồng. Tham gia củng cố hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh ở các địa phương cơ sở (tu sửa, nạo vét được hơn 30km kênh mương nội đồng, với 3.500 ngày công, tương đương số tiền 453,8 triệu đồng). Đồng thời, LLVT tỉnh còn chủ động giúp đỡ, ủng hộ các địa phương cơ sở còn khó khăn xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp các điểm trường, lớp mầm non mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập, giảng dạy và sinh hoạt, cụ thể các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh đã vận động quyên góp và xã hội hóa được gần 6 tỷ đồng; trong đó cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh tham gia 2.788 ngày công - trị giá gần 300 triệu đồng; ủng hộ tiền mặt và hiện vật trị giá gần 4 tỷ đồng xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp 77 điểm lớp mầm non và nhà văn hóa thôn còn khó khăn trên địa bàn tỉnh). Cùng với đó, còn tham gia thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 2.000 lượt người dân và  1.142 lượt đối tượng chính sách; tổ chức dạy nghề miễn phí cho 1.075 quân nhân xuất ngũ; trợ cấp cho 1 sinh viên gia đình có điều kiện khó khăn trong 6 năm học, với số tiền 5 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn nghề, giới thiệu việc làm và liên kết đào tạo nghề luôn được quan tâm đẩy mạnh, góp phần giải quyết tốt việc làm cho quân nhân khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương... Những việc làm trên đã góp phần xây dựng, củng cố vững chắc trận địa lòng dân trong KVPT.

Nhân lên những điển hình mới nhân tố mới

Đề cập về hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong LLVT tỉnh thời gian qua, Đại tá Phạm Ngọc Lượng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho hay: “Ngay khi có Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị; Chỉ thị của Thường vụ Quân ủy Trung ương; Kế hoạch của Đảng ủy Quân khu 3, Tỉnh ủy Hưng Yên về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng ủy Quân sự tỉnh Hưng Yên đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung, yêu cầu của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đảng bộ, chi bộ”. Nhằm thực hiện những chuẩn mực do cấp trên quy định; về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và cán bộ chủ chốt, các cấp ủy Đảng thuộc LLVT tỉnh đã quán triệt, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện đến từng cán bộ, đảng viên, từng cương vị chức trách, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Kế hoạch, chương trình hành động được gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động và hoạt động thực tiễn, đã đưa việc làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng. Kết quả nổi bật trong việc làm theo là mọi cán bộ, chiến sĩ có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm kỷ luật, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, kết quả huấn luyện 100% đạt yêu cầu, có 87,1% khá, giỏi. Không có cán bộ, đảng viên, chiến sĩ vi phạm kỷ luật phải xử lý, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt. Với phương châm cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành các phong trào, hoạt động cụ thể để cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện vận dụng, nhiều cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã xây dựng mới và bổ sung chuẩn mực đạo đức phù hợp, với tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Quá trình thực hiện Chỉ thị 03 CT/TW của Bộ Chính trị đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Tiêu biểu như Đại úy Nguyễn Thế Vinh, giáo viên Trường Quân sự tỉnh Hưng Yên. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng chí Vinh luôn tích cực nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, là tác giả 4 sáng kiến cải tiến kỹ thuật đưa vào ứng dụng giảng dạy đạt hiệu quả cao. Đại úy Vinh còn là giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân, được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua" cấp Bộ Quốc phòng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen. Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, Thiếu tá Phan Hồng Phong, cán bộ Phòng Chính trị còn là tấm gương sáng về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Năm 2013, trên đường đi công tác nhặt được của rơi, đồng chí đã kịp thời báo cáo cơ quan và bằng mọi cách tìm người đánh mất để trả lại tài sản. Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Thủy, nhân viên Ban Tuyên huấn được giao kiêm nhiều nhiệm vụ như phát thanh viên, phụ trách công tác phụ nữ Bộ CHQS tỉnh, mặc dù con còn nhỏ, mẹ già bệnh trọng, chồng là bộ đội, song chị luôn vượt qua mọi khó khăn, ở lĩnh vực nào cũng hoàn thành công việc xuất sắc. Hằng năm, Hội Phụ nữ cơ sở Bộ CHQS tỉnh luôn đạt vững mạnh và được các cấp khen thưởng. Riêng đồng chí Thủy từ năm 2011 đến nay luôn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Tổng cục Chính trị tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua của Phụ nữ Quân đội; Bộ CHQS tỉnh tặng giấy khen trong Phong trào Thi đua Quyết thắng; đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang được Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm, được tuyên dương tấm gương tiêu biểu về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cấp toàn quân...

Ghi nhận những thanh tích mà cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh đạt được thời gian qua, năm 2012 Bộ CHQS tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng; Bộ Quốc phòng tặng nhiều bằng khen cho các hoạt động như: 12 năm thực hiện Pháp lệnh QDTV, 10 năm giáo dục quốc phòng, trong phòng chống lụt bão, trong phong trào thi đua quyết thắng...; liên tục từ năm 2010 đến nay được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng cờ đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua quyết thắng, cờ trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương và nhiều bằng khen các loại; được Tỉnh ủy, UBND nhân tỉnh tặng nhiều bằng khen trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

Trước lúc chia tay, Đại tá Lê Văn Cửu bày tỏ với chúng tôi những lời tâm huyết tự đáy lòng: Để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, thời gian tới LLVT tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng LLVT nhân dân, truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, kiên cường, quyết thắng” làm tốt chức năng tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh; tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, trong đó lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT; tiếp tục xây dựng lực lượng thường trực và lực lượng DBĐV, DQTV vững mạnh; đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, coi trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng; thực hiện nghiêm nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; tích cực hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; phát huy vai trò nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các phong trào hành động cách mạng, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh.

Hà Nội, tháng 12 năm 2016

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Bình chọn
      Thống kê: 764.446
      Online: 37