Hưng Yên từ lâu đã được biết đến là quê hương văn hiến, cách mạng; nhân dân cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng kiên cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trên mảnh đất đầy tự hào của quê hương La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ cách đây gầm 70 năm, đã ghi dấu ấn về tinh thần quật khởi của những chiến sĩ cách mạng quê Hưng Yên và các tỉnh lân cận. Hàng nghìn đồng bào và chiến sĩ của ta đã hi sinh, tô thắm truyền thống của quê hương Hưng Yên anh hùng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược, La Tiến là địa bàn có vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự của Hưng Yên. Thời gian thực dân Pháp thực hiện kế hoạch bình định Đồng bằng Bắc Bộ, chúng đã lấy La Tiến làm vị trí chiếm đóng, lập bốt án ngữ nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ các vùng lân cận và hòng đàn áp, dập tắt phong trào cách mạng của ta, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho phong trào.

Ngay từ buổi đầu chiếm đóng, địch đã ra tay khủng bố vô cùng tàn bạo, hòng khuất phục ý chí và tinh thần của nhân dân ta. Chúng bắt hàng nghìn người dân và du kích trong vùng đem về bốt La Tiến tra tấn dã man và giết hại bằng những hình thức man rợ, tàn bạo, phi nhân tính như: Treo người lên cây đa rồi cắt tiết, mổ bụng, moi gan, dùng kìm nhổ móng tay, chặt tay, chặt chân làm đau đớn đến tột cùng rồi mới giết và thả xác trôi sông... Nhiều chiến sĩ cách mạng, nữ du kích Hoàng Ngân, bộ đội địa phương bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết và hi sinh anh dũng, như: Bí thư phụ nữ cứu quốc huyện Phù Cừ Trần Thị Khang, tức Vũ Thị Kính (sau được truy tặng danh hiệu anh hùng LLVT nhân dân), cán bộ tuyên truyền địch vận Nguyễn Văn Năng; các đồng chí: Đinh Thị Nhẹn, Trần Ngọc Châu, Lê Văn Hồi, Trần Văn Tiện...

Mỗi tấc đất, khúc sông Luộc trên vùng đất La Tiến của quê hương Hưng Yên thấm đẫm máu xương của các anh hùng và chiến sĩ, đồng bào ta. Sự tàn bạo của kẻ thù không những không dập tắt được phong trào, mà còn thổi bùng lên ngọn lửa căm thù, ý chí gang thép của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, quyết chiến đấu tới cùng để bảo vệ quê hương.

Trước tinh thần đó, để bảo vệ cách mạng, bảo vệ đồng bào, ta đã lên kế hoạch và tiêu diệt bốt La Tiến vào cuối tháng 1-1954. Trận đánh này đã góp phần vào những chiến công vang dội của quân và dân tỉnh Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày nay, cây đa và đền thờ La Tiến đã trở thành biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất, quật khởi của nhân dân Phù Cừ, nhân dân Hưng Yên nói riêng, của cả nước nói chung. Đền thờ và cây đa La Tiến không chỉ là nơi lập bia căm thù, khắc ghi tội ác của kẻ thù, mà còn là địa điểm tri ân những chiến sĩ, đồng bào trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã hy sinh anh dũng để bảo vệ từng tấc đất, khúc sông quê hương. Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã có câu đối kính đề trong đền: “Nước sông Luộc sục sôi dòng huyết hận/ Trời Phù Cừ cao vút khí anh linh”.

Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tặng hoa chúc mừng 

Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm chăm lo thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, gia đình chính sách với nhiều hình thức tri ân và tôn vinh. Mỗi năm, tỉnh đã dành từ 25 đến 30 tỷ đồng hỗ trợ, nâng cao đời sống, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán và ngày 27-7 hàng năm. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ và xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” từ tỉnh đến cơ sở được đẩy mạnh. Nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa có ý nghĩa rất lớn cho việc xây dựng, sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà giúp người có công và thân nhân người có công; động viên, thăm hỏi, hỗ trợ những người có công vào các dịp lễ, Tết, lúc khó khăn.

Phát huy truyền thống của quê hương, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và sự nỗ lực quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tỉnh Hưng Yên cách đây 20 năm khi mới tái lập, từ xuất phát điểm kinh tế thấp, đã phấn đấu trở thành tỉnh có nền kinh tế khá phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, vững chắc; kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau 20 năm tái lập, đến nay, thu ngân sách tăng gấp khoảng 130 lần (năm 2016 ước đạt hơn 44, 5 triệu đồng/người/năm); kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng cao, đạt trị giá hơn 3.2 tỷ USD, gấp 640 lần lúc tái lập. Tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đột phá, có tính bước ngoặt và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã định hướng cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nhanh kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo nền tảng để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp. Trong đó, đề ra ba khâu đột phá: Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, công nghệ cao có giá trị gia tăng cao, hiện đại; huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là xây dựng giao thông; trên cơ sở quy hoạch cán bộ, thực hiện công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng cán bộ thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển cán bộ giữa các cấp và luân chuyển các ngành trong cùng cấp. Đến năm 2020, phấn đấu tăng trưởng bình quân GDP từ 7.5 - 8%/ năm; tổng thu ngân sách đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD; GDP bình quân đầu người 75 triệu đồng... Trước mắt, trong năm 2017, thực hiện tốt nhiệm vụ. Trung ương giao về tài chính, tự cân đối thu - chi; tập trung xây dựng thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II, huyện Mỹ Hào trở thành thị xã.

Phát huy các nguồn lực, khơi dậy tinh thần yêu nước, khắc ghi những hy sinh, đóng góp của các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng, tinh thần quật cường của đồng bào ta, đó là những giá trị về văn hóa, về truyền thống yêu nước của quê Hưng Yên, mà địa danh La Tiến là một điển hình. Để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại; sự hy sinh anh dũng của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta, trong đó có 1.145 người đã ngã xuống trên mảnh đất La Tiến anh hùng bên dòng sông Luộc lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên nguyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh; làm hết sức mình với lương tâm và trách nhiệm cao nhất để chăm lo thân nhân các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Bình chọn
      Thống kê: 766.773
      Online: 96