Sáng 12-6, với 86,86% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng. Luật gồm 7 chương, 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.
Về chính sách của Nhà nước về an ninh mạng, Luật quy định: Ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại; xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng; xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng...
Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội...; thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử...
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng. Ảnh: quochoi.vn
Các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Việc áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong Luật này là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia.
Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp...) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia. “Hiện nay, Google và Facebook đang lưu trữ dữ liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam tại trung tâm dữ liệu đặt tại Hong Kong và Singapore. Nếu quy định của Luật này có hiệu lực thì các doanh nghiệp này phải dịch chuyển đám mây điện toán (máy chủ ảo) về Việt Nam để mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi”, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu rõ.
Phân tích thêm, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt cho biết: Trường hợp trung tâm dữ liệu được đặt ở Việt Nam tuy có gia tăng thêm chi phí của doanh nghiệp, nhưng là quy định cần thiết phải đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng của nước ta. Căn cứ quy định của Luật này và tình hình thực tiễn, Chính phủ quy định phạm vi doanh nghiệp cụ thể phải áp dụng quy định này, nên sẽ cơ bản không gây cản trở lưu thông dòng chảy dữ liệu, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp.
|
* Cũng trong sáng 12-6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 với 92,2% tổng số đại biểu tán thành; thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi) với 95,28% tổng số đại biểu tán thành và thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi) với 96,10% đại biểu tán thành.