Cả cuộc đời Bác vì dân, vì nước, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của nhân dân; tư tưởng của người luôn đặt nhân dân là trung tâm của cách mạng, biết tin vào sức mạnh của nhân dân và dựa vào dân để làm cách mạng; điều đó được Bác thể hiện rất rõ trong lời dạy của người với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hưng Yên từ cách nay gần 70 năm: “Các cô, các chú không có rừng cây, nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến”.

 

Tư tưởng quân sự của Bác xuất phát từ quan điểm nhân dân, vì nhân dân và phải dựa vào nhân dân tiến hành chiến tranh cách mạng. Người cho rằng “Sự thống trị bằng bạo lực của chế độ thực dân tất yếu dẫn đến những cuộc bùng nổ cách mạng của các dân tộc thuộc địa”([1]). Vì thế, Đảng phải sử dụng bạo lực cách mạng của chính nghĩa, của nhân dân, vì con người và cho con người thì cách mạng mới thành công.

Năm 1947, 1948, địch khủng bố phong trào cách mạng, chúng hãm hiếp phụ nữ và giết người vô tội, càn quét lực lượng vũ trang nhằm biến Hưng Yên thành hậu phương an toàn, cung cấp người và của phục vụ kế hoạch xâm lược của chúng. Phong trào cách mạng ở Hưng Yên (nhất là tại các vùng bị tạm chiếm) gặp nhiều khó khăn.

Tại Hội nghị Dân quân toàn quốc ở Việt Bắc tháng 4/1948, biết đại biểu Hưng Yên băn khăn vì địa bàn của tỉnh toàn đồng bằng trống trải, khó lập căn cứ, Bác Hồ đã gặp và nói: “Các cô, các chú không có rừng cây, nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến”. Chúng ta đã nghe: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, “rừng” ở đây được sử dụng theo nghĩa đen, để nói về tác dụng của một “cánh rừng” hay một “khu rừng” bảo vệ lực lượng kháng chiến và vây đánh quân thù. Tuy nhiên “Rừng dân” theo lời dạy của người với quân và dân Hưng Yên thì đó được hiểu theo nghĩa bóng. “Rừng dân” ở đây không chỉ hàm ý là nhân dân ta rất đông đảo mà còn thể hiện sức mạnh của nhân dân có thể “chở thuyền” và “lật thuyền”, có thể “vây ép”, tiêu diệt quân thù, sức mạnh của nhân dân như nước. “Rừng dân” theo câu nói của bác còn có nghĩa là thế trận lòng dân, mà những người cách mạng cần phải nắm lấy, phát huy nó lên thành sức mạnh vô địch của cách mạng. Câu nói của Bác thể hiện truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thế trận chiến tranh nhân dân để chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Lời dạy của Bác có ý nghĩa rất sâu sắc, trở thành một trong các bài học kinh nghiệm của Tỉnh ủy Hưng Yên, của lực lượng vũ trang Hưng Yên trong chỉ đạo, tổ chức cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở địa phương, đó là: “Bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng về mọi mặt”;...

Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, phải chiến đấu với kẻ địch có trang bị vũ khí lớn mạnh hơn gấp nhiều lần, xong phát huy truyền thống đánh giặc bất khuất kiên cường của quê hương, thấm nhuần lời dạy của người; Tỉnh ủy, chính quyền và LLVT Hưng Yên đã biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, vượt qua khó khăn, gian khổ chiến đấu mưu trí dũng cảm  ngoan cường, đánh địch bằng mọi vũ khí có trong tay ở mọi lúc mọi nơi, bằng mọi lực lượng, mọi tầng lớp, giai cấp, bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, hễ là người Việt Nam thì đều đứng lên kháng chiến, giết giặc lập công như Bác Hồ hằng kêu gọi. Từ đó đã tạo nên thiên la địa võng  của chiến tranh du kích khiến kẻ địch phải khiếp sợ. Nhiều trận đánh nổi tiếng  của quân và dân Hưng Yên đã đi vào sử sách , được lưu truyền mãi mai sau như trận đánh đồn Bần ở  huyện Mỹ Hào “là trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng bắc bộ”; trận chống càn ở Phan Xá-  Tống Xá; trận Bạch Binh- Tam Đa ở huyện Phù Cừ; đặc biệt là phong trào nữ du kích Hoàng Ngân phát triển chưa từng có, với nhiều chiến công oanh liệt, như trận dùng đòn gánh đánh tây ở Bốt Phương Trù, Đông Kết, trận phối hợp cùng các lực lượng đánh địch ở chợ Từ Hồ, Đông Tảo (huyện Khoái Châu), nhiều gương chiến đấu của các mẹ, các chị đã được ghi danh sử sách như: Anh hùng Liệt sĩ Trần Thị Khang; Anh hùng Liệt sĩ Trần Thị Tý; Anh hùng Liệt sĩ Trần Thị Dự, Bà Trương Thị Tám và bao tấm gương ngời sáng làm dạng danh quê hương, đất nước

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Phát huy thế trận lòng dân, quân và dân Hưng Yên đã đánh hơn chín nghìn trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hơn 30 ngàn tên địch, phá huỷ và thu nhiều phương tiện chiến tranh, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc. Tại đại hội anh hùng và chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng lực lượng vũ trang Hưng Yên lá cờ truyền thống “ Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”, cũng trong dịp này, Hưng Yên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “ tỉnh có phong trào chiến tranh du kích phát triển nhất ở Đồng bằng bắc bộ”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thấm nhuần lời dạy của người về “rừng dân”; Hưng  Yên luôn làm tròn  nhiệm vụ của hậu phương với tiền tuyến lớn Miền Nam. Cán bộ chiến sĩ LLVT trong toàn tỉnh  vừa tích cực tham gia lao động sản xuất, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến  đấu thắng lợi, đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bộ đội phòng không trên điạ bàn bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bảo vệ vững chắc hệ thống đê sông  Hồng, sông Luộc và các mục tiêu kinh tế- văn  hoá xã hội, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Nhân dân và lực lượng vũ trang Hưng Yên được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: LLVT tỉnh, Lực lượng nữ Du kích Hoàng Ngân, 10 huyện, thành phố; 70 xã, phường, thị trấn và 37 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó 12 cá nhân thuộc các đơn vị LLVT tỉnh; 2048 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng".

Lời căn dặn của Người về “rừng dân” như ngọn đuốc sáng soi đường, giúp Đảng bộ, chính quyền, LLVT Hưng Yên thực hiện tốt việc xây dựng “thế trận lòng dân” - một yếu tố tiên quyết dẫn tới thành công trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh nhà nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung.

Trong sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là từ ngày tái lập tỉnh tháng 1 năm 1997 đến nay. Thấm nhuần lời dạy của người về phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, nhất là trong thực hiện nhiệm vu8j quân sự, quốc phòng địa phương trong tình hình mới. Đảng uỷ Bộ CHQS tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu với tỉnh uỷ, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể triển khai giáo dục quốc phòng cho cán bộ Đảng viên, thanh niên, học sinh và các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao nhận thức cách mạng, thấy rõ hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng, âm mưu thủ đoạn của kẻ thù và nhiệm vụ quốc phòng, công tác quân sự địa phương trong tình hình mới.

Công tác huấn luyện cho các đối tượng cả lực lượng thường trực, DQTV và DBĐV được triển khai nghiêm túc, đảm bảo đúng đủ nội dung chương trình theo quy định; trong quá trình tổ chức thực hành huấn luyện các đơn vị đều quán triệt và thực hiện tốt phương châm huấn luyện “ cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết quả huấn luyện hàng năm  100% đạt yêu cầu trong đó trên 75% Khá, Giỏi. Bộ CHQS tỉnh luôn coi trọng chỉ đạo xây dựng luyện tập các kế hoạch chiến đấu, phương án phòng thủ ở các cấp, các địa phương, tổ chức tốt các cuộc diễn tập chỉ huy cơ quan một bên một cấp, diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập chiến đấu trị an, phòng chống cháy nổ, phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.                                                                  

          Với sự  tham mưu tích cực có hiệu quả của Đảng uỷ Bộ CHQS tỉnh và cơ quan quân sự các cấp. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đều được cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai và đúng luật, hoàn thành chỉ tiêu và đạt chất lượng cao.

Sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Hưng Yên là sản phẩm trực tiếp của đường lối chính trị đúng đắn của Đảng ta, sự chỉ bảo ân cần của Hồ Chủ tịch và sự phấn đấu không mệt mỏi của quân và dân Hưng Yên trong quá trình theo Đảng, theo Bác làm cách mạng.

Cả cuộc đời Bác vì dân, vì nước, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của dân. Những lời dạy của người về phát huy sức mạnh của nhân dân nói chung và lời dạy của người về “rừng dân” nói riêng đối với cấp ủy, chính quyền và LLVT Hưng Yên vẫn còn nguyên giá trị với thời gian.

 


 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin đã đăng
    Tin liên quan

       Bình luận


      Mã xác thực không đúng.
        /portal
         Liên kết website
         Bình chọn
        Thống kê: 141.172
        Online: 17