I. SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG THÀNH TÍCH HÀO HÙNG CỦA LLVT NHÂN DÂN TỈNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP, CHỐNG MỸ VÀ TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC

- Hưng Yên là vùng đất có bề dày truyền thống văn hoá và cách mạng, người dân Hưng Yên có tinh thần đoàn kết, cần cù, tiết kiệm, hiếu học, thông minh sáng tạo trong lao động sản xuất; kiên cường bất khuất, mưu trí, dũng cảm trong chống giặc ngoại xâm.

- LLVT Hưng Yên được ra đời trong phong trào cách mạng của quần chúng. Trước khi có Đảng đã cùng với nhân dân, nhất tề đứng dậy chống lại sự áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Khi Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng, cho đến đầu năm 1943 ở tỉnh ta đã xây dựng được lực lượng tự vệ, du kính “An toàn khu Bãi sậy” mở đầu cho việc xây dựng LLVT ở các địa phương trong toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương, LLVT tỉnh đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, làm nòng cốt cùng với nhân dân nổi dậy lật đổ chế độ thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân trong cách mạng tháng 8 năm 1945.

- Sau ngày toàn quốc kháng chiến, thực hiện sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 01/4/1947 Cơ quan chỉ huy của LLVT tỉnh Hưng Yên là Tỉnh đội Dân quân Hưng Yên (nay là Bộ CHQS tỉnh) được thành lập tại thôn Gạo Bắc, xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi. Đồng chí Nguyễn Hữu Nghị, Uỷ viên Quân sự của Uỷ ban kháng chiến - Hành chính tỉnh được bổ nhiệm làm Tỉnh đội trưởng đầu tiên của Hưng Yên. Sau đó Tỉnh uỷ phân công đồng chí Hoàng Thế Cừ, Tỉnh uỷ viên, được cấp trên phê duyệt làm Chính trị viên Tỉnh đội đầu tiên của tỉnh. Các Ban chỉ huy huyện đội, Xã đội lần lượt ra đời. Khi cơ quan chỉ huy được thành lập, Tỉnh đội Hưng Yên có lực lượng và cơ cấu tổ chức tương đương cấp tiểu đoàn, gồm cơ quan Tỉnh bộ, 3 đại đội bộ binh, 1 trung đội công binh, 1 trung đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh, 9 đại đội và tương đương đại đội huyện, một xưởng Công binh (Công binh xưởng E).

1. Trong kháng chiến chống Pháp

Chào mừng Cơ quan chỉ huy các cấp ra đời và phát huy ý nghĩa trọng đại đó, LLVT Hưng Yên đã liên tiếp chiến đấu, lập công xuất sắc từ Công Luận trên đê Sông Hồng thuộc Văn Giang tới cầu Bà Sinh trên đường sắt Văn Lâm… từ Quán Bạc trên đường 5 thuộc huyện Mỹ Hào đến ngã năm Từ Hồ và cầu Lực Điền thuộc huyện Yên Mỹ… Trong hàng chục trận chiến đấu và chiến thắng đó, nhiều trận đã mở đầu cho những cách đánh mới hoặc vận dụng những hình thức chiến thuật đương thời một cách sáng tạo và thành công lớn như trận Lực Điền ngày 29-8-1947 và trận Từ Hồ ngày 23-9-1947.

Những chiến thắng lẫy lừng, những chiến công vẻ vang sau khi Tỉnh đội ra đời đã thôi thúc nhân dân Hưng Yên hăng hái gia nhập LLVT, liên tục xông lên giết giặc lập công được phản ánh trong những hoạt động văn hoá quần chúng đầy hào sáng cũng như đã đi vào những ca khúc cách mạng hào hùng lưu truyền rộng rãi trong quân và dân Hưng Yên.

Do yêu cầu mở rộng lực lượng Quân đội để đẩy mạnh kháng chiến, tháng 4/1949, Chính phủ ra Sắc lệnh về “Thành lập bộ đội địa phương”; ngày 18-8-1949, Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “về xây dựng bội đội địa phương và phát triển dân quân”. Những văn kiện lịch sử trên đã xác định và đưa các đơn vị du kích tập trung cấp tỉnh, cấp huyện và cơ quan Tỉnh đội, Huyện đội vào hệ thống tổ chức của Quân đội Quốc gia Việt Nam (sau đổi là Quân đội nhân dân Việt Nam), do Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý, trang bị, cấp dưỡng. Đó là Bội đội địa phương - một trong hai lực lượng cơ bản cấu thành Quân đội nhân dân Việt Nam là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

Từ ngày 22 đến ngày 31-12-1949, địch mở chiến dịch Đi-a-bô-lô đánh chiếm vùng tự do phía Nam của tỉnh. Hưng Yên nằm trên một địa bàn chiến lược về giao thông vận tải, là cửa ngõ của Thủ đô nên địch quyết biến Hưng Yên thành vùng “bình định trọng điểm”, vùng thí điểm của “chiến tranh tổng lực”. Địch đã mở tới 5 cuộc hành quân cỡ chiến dịch, hàng chục cuộc hành quân cỡ chiến thuật và hàng chục cuộc hành quân để “tảo thanh”, càn quét với quy mô vừa và nhỏ vào địa bàn của tỉnh, gây cho ta những khó khăn và thiệt hại không nhỏ. Có thời gian địch đã đẩy ta vào “thế bị áp đảo đối với toàn tỉnh”, do “địch mạnh hơn ta nhiều”. Mỗi cuộc hành quân đó, chúng đã sử dụng từ 3 đến 5 binh đoàn cơ động chiến lược trong tổng số 7 binh đoàn của Bộ Tổng chỉ huy Pháp cùng với hàng trăm chiến xa, hàng trăm lần chiếc máy bay xuất kích, nhiều chục khẩu pháo và những giang đoàn, thuỷ đội thiện chiến… Với những cuộc hành quân càn phá để “tầm thanh, trừ cán, diệt cộng” diễn ra liên miên, chỉ trong năm 1950 địch đã phá nhiều cơ sở kháng chiến, gây ra nhiều cuộc tàn sát man rợ ở khắp nơi như giết hại 250 đồng bào ta ở khu vực Thuần Xuyên - Phần Dương - Phần Hà... giết 300 đồng bào ta tại Đa Lộc - Cựu Thụy; giết 250 người trong một trận càn tại Văn Nhuệ - Anh Nhuệ… Riêng tại khu vực La Tiến (Phù Cừ), địch đã sát hại hơn một nghìn đồng bào và cán bộ chiến sĩ ta với những hành động hết sức man rợ.

Càng trong những lúc khó khăn, gian khổ, ác liệt thì LLVT Hưng Yên cùng với toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh càng kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chủ động tìm ra đường hướng và đối sách thích hợp để đánh thắng mọi mưu đồ quỷ quyệt của kẻ thù, làm nên những thành tích hết sức vẻ vang, lập nên những chiến công chói lọi. Trải qua 14 tháng cực kỳ khó khăn, khốc liệt, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của trên, đặc biệt là sự nỗ lực của địa phương, quân và dân toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm chỉnh và sáng tạo Nghị quyết lịch sử tháng 12-1950 của Tỉnh uỷ, nên đã bình tĩnh, vững vàng, nhạy bén đánh bại thế kìm kẹp của địch, từng bước tiến lên làm chủ chiến trường. Mở đầu là chiến thắng Thọ Lão (Phù Cừ) đêm 31-3-1951, ta đã diệt một hang ổ phản động đội lốt tôn giáo rồi bức hàng, bức rút 5 vị trí khác, giải phóng 10 thôn thuộc 2 xã khu Trung huyện Phù Cừ, mở khu du kích đầu tiên của tỉnh. Trong vòng 9 tháng tiếp theo của năm 1951 - nhất là khi phối hợp với chiến trường chính tại Hoà Bình - quân và dân Hưng Yên đã liên tiếp mở thêm 11 khu du kích nữa; tạo ra khu du kích liên hoàn nối vùng ven Sông Cửu An, Sông Luộc, Sông Hồng tới sát sân bay Gia Lâm, trực tiếp làm chủ tuyến vận tải thuỷ và uy hiếp đường 5, đường sắt… Riêng đợt mở 12 khu du kích trong năm 1951, LLVT Hưng Yên đã tiêu diệt, bức rút, bức hàng 137 vị trí các loại, đánh dập “cái xương sống” của chương trình bình định, diệt hàng trăm tên có nhiều tội ác. Nét nổi bật trong cách đánh hương đồn, tháp canh của Hưng Yên thời kỳ này không chỉ dừng lại ở cái ý nghĩa về quân sự, chính trị mà còn thể hiện tính nhân văn cao cả của những người chiến sĩ cách mạng có chính nghĩa, có bản lĩnh, có truyền thống nhân ái, bao dung và độ lượng…. Do vậy LLVT Hưng Yên đã không lấy “đánh”, “diệt” là chủ yếu mà kiên trì sử dụng “chiến thuật dung doạ” để làm tan rã và bức hàng là chính.

Các trận đánh theo lối đánh du kích sáng tạo đã diễn ra trong khắp tỉnh, nhất là cách đánh “thần thông biến hoá” của nữ du kích Hoàng Ngân được Tỉnh đội và Tỉnh hội Phụ nữ cùng chỉ huy từ đầu năm 1951. Lực lượng đó gồm hàng nghìn chị em, hoạt động ở khắp các thôn xã vùng du kích, căn cứ du kích và cả trong vùng địch kiểm soát. Chị em vừa đánh giỏi vừa phục vụ chiến đấu rất giỏi và hiệu quả như làm trinh sát, quân báo, giao thông, địch vận, tiếp đạn, tải thương, chăm sóc thương binh, làm công sự, đào hầm bí mật, xây dựng làng chiến đấu,… đồng thời cùng nam du kích phối hợp và phục vụ bộ đội tác chiến. Nhiều Đội nữ du kích Hoàng Ngân rất giỏi trong việc tìm địch mà đánh, lấy vũ khí của địch đánh địch như nữ du kích Thủ Sĩ, Tam Nông, Phan Tây Hồ (Tiên Lữ), Minh Hoàng, Quang Hưng, Quyết Tiến, Đoàn Đào (Phù Cừ), Đồng Thanh, Hiệp Cường, Ngọc Thanh, Nghĩa Dân (Kim Động), Quang Trung, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Thái (Ân Thi), Đông Kinh, Tứ Dân, Dân Tiến, Đồng Tiến (Khoái Châu), Long Hưng, Tân Tiến (Văn Giang), Hưng Long, Tô Hiệu, Huỳnh Thúc Kháng (Mỹ Hào), Hoàn Long, Thường Kiệt, Cộng Hoà, Giai Phạm (Yên Mỹ)…

Trước sự phát triển rực rỡ của chiến tranh nhân dân, tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ Thi đua Toàn quốc lần thứ nhất (tháng 5-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Tỉnh đội Hưng Yên lá Cờ truyền thống thêu tám chữ vàng: “Đoàn kết nhân dân, đánh thắng giặc Pháp”. Cũng trong dịp này, Hưng Yên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là “một tỉnh có phong trào chiến tranh du kích phát triển nhất ở đồng bằng Bắc Bộ”.

Trên nền của chiến tranh nhân dân phát triển cao, bộ đội địa phương Hưng Yên đã cùng toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết 3 thứ quân cùng tác chiến trên một địa bàn, dìu dắt lẫn nhau, phối hợp hiệp đồng, lập công tập thể, làm nên nhiều thành tích rất to lớn, với những chiến tích thần kỳ. Với phương châm “vừa xây dựng vừa chiến đấu”, “lấy tác chiến để xây dựng”, “đánh liên tục”, “tìm địch mà đánh”, “chủ động tìm cách đánh hay mà hiệu quả”… bộ đội địa phương Hưng Yên đã dày công rèn luyện, có bước trưởng thành rất nhanh, liên tục lập công xuất sắc.

Những trận đánh hay, những chiến thắng đẹp về tinh thần và nghệ thuật quân sự như vậy còn diễn ra ở nhiều nơi với nhiều cách đánh phong phú, rất sáng tạo. Nhưng chiến công đặc biệt xuất sắc của bộ đội Hưng Yên là đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm và tìm ra cách đánh “mật tập” - một hình thức chiến thuật rất mới so với lúc đó - đã đánh diệt hàng chục vị trí cỡ đại đội đến đại đội tăng cường, rồi tiểu đoàn hỗn hợp được bố phòng trong các “điểm tựa cứng đã được tăng cường trong hệ thống phòng thủ đã được cải tiến”, đến Sở chỉ huy Phân khu, Chi khu và cụm cứ điểm… mở ra một khả năng mới là bộ đội địa phương tỉnh đủ sức đánh diệt bất cứ điểm phòng ngự nào của địch trên địa bàn.

Mở đầu cách đánh “mật tập” là trận tiêu diệt Căn cứ hậu phương của Binh đoàn cơ động số 3 tại xóm Lẻ, thôn Bần Yên Phú thuộc xã Tinh Tiến (nay là xã Giai Phạm huyện Yên Mỹ) đêm 10-5-1953, trận đánh đã diễn ra ở thời điểm rất đặc biệt. Sau khi ta phá nát hệ thống hương đồn, tháp canh; nếu không có lực lượng cơ động địch hoạt động tại địa bàn thì lực lượng chiếm đóng ở địa phương thường “án binh bất động”, buộc phải co vào thế thủ trong công sự kiên cố (rào kẽm gai nhiều lớp, chăng nhiều loại mìn, có luỹ dày, hào sâu, lô cốt được gia cường và kiến tạo bằng bê tông cốt thép, có một số vị trí còn được xây dựng những điểm tựa ngầm và hầm ngầm kiên cố…); nên LLVT địa phương ít có cơ hội và điều kiện để diệt địch; phải thường xuyên “tìm địch mà đánh” nhưng vẫn chưa diệt được địch trong công sự vững chắc do chưa đủ trình độ tiến công bằng sức mạnh và chưa có hoả khí để đánh công kiên như bộ đội chủ lực. Trong khi đó, tại địa bàn Hưng Yên, bộ đội chủ lực đã dùng sức mạnh công phá và tiêu diệt hàng loạt vị trí kiên cố của địch như Chợ Thi, Nhật Lệ, Đình Cao, Canh Hoạch, Đoàn Đào, Đa Lộc lần thứ hai, Cầu Tràng… Riêng trận Cầu Tràng (tiếp giáp hai huyện Phù Cừ và Thanh Miện), ta đã tiêu diệt gọn 1 đại đội tăng cường của Tiểu đoàn 20 (20èBVN), thu 3 súng cối, 2 khẩu BZK, 2 trọng liên và đại liên, 20 tiểu liên, 47 súng trường, 10 tấn đạn… Nhưng cách đánh công kiên thường phải sử dụng và tốn nhiều hoả lực, sự thương vong của ta không nhỏ.

Trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 - nhất là trong thời gian phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ - LLVT Hưng Yên tiếp tục “nổi sấm đường 5”, tiếp tục lập nhiều chiến công mới. Khi Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn quyết định mở đợt Tổng công kích đường 5 (5-3-1954) “Mặt trận đường 5” được cấp tốc thành lập, Bắc Hưng Yên được xác định là hướng chính. Khu đưa cả 2 trung đoàn chủ lực (Trung đoàn 42 và Trung đoàn 50 về hoạt động tại địa bàn này. Tỉnh đội cũng đưa cả hai tiểu đoàn (Tiểu đoàn 58 và Tiểu đoàn 54), Đại đội 10 độc lập của tỉnh và 6 đại đội bộ đội huyện (gồm các đại đội của Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm, Văn Giang, Ân Thi, Phù Cừ) cùng dân quân du kích các huyện phía Bắc của tỉnh và hàng vạn dân công mở đợt hoạt động mạnh kéo dài từ 12-3-1954 cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hưng Yên đã đánh 9.022 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 36.224 tên địch - chưa kể số địch bị chết, bị thương trong 52 đoàn tàu quân sự bị quân và dân Hưng Yên tiêu diệt. Ta phá và bức hàng 252 vị trí các loại, đánh đổ và phá huỷ 52 đoàn tàu hoả quân sự với hàng trăm toa, phá 62 xe tăng, 27 xe bọc thép và xe đặc chủng, bắn rơi 2 máy bay, đánh đắm 1 tàu chiến và 7 ca-nô, thiêu huỷ hàng chục vạn lít xăng dầu, phá huỷ hàng nghìn khẩu súng các loại, hàng trăm tấn đạn dược và đồ dùng quân sự. Ta thu được khối lượng vũ khí rất lớn, đủ trang bị cho nhiều trung đoàn mạnh gồm 10 khẩu đại bác, 70 khẩu súng cối, 4 khẩu ĐKZ, 34 khẩu BZK, 12 khẩu trọng liên, 81 khẩu đại liên, 322 khẩu trung liên, 811 khẩu tiểu liên, 4.478 khẩu súng trường, 129 khẩu súng ngắn, 270 máy vô tuyến điện và điện thoại, hàng trăm tấn đạn và đồ dùng quân sự.

Với những chiến công lừng lẫy, những thành tích xuất sắc đó, LLVT nhân dân Hưng Yên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng cờ truyền thống “Đoàn kết nhân dân, đánh thắng giặc Pháp”, được phong trặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”, được tặng thưởng 10 Huân chương Quân công, 30 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Kháng chiến. Lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng LLVT trang nhân dân”, 10 huyện và thành phố và hàng chục xã, phường, thị trấn và cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”, hàng trăm đồng chí được bình chọn là Chiến sĩ thi đua, hàng vạn cá nhân và gia đình được tặng thưởng huy chương, huân chương cao quý.

2. Trong kháng chiến chống Mỹ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Hưng Yên cùng với quân và dân cả nước chi viện sức người, sức của vào miền Nam ruột thịt, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn của tiền tuyến lớn. Khi Mỹ dựng ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ để đánh phá miền Bắc bằng không quân, hải quân; Hưng Yên nằm trên hướng chủ yếu của máy bay Hải quân Mỹ vào đánh phá Thủ đô, đường 1 Bắc, tuyến đường sắt - đường 5 và đánh phá tuyến vận tải thuỷ nội địa chủ yếu của miền Bắc lúc đó là Sông Hồng, Sông Luộc… Miền Bắc của tỉnh lúc đó là một “kho” hàng dã ngoại, một chân hàng lớn được rải khắp ven đường giao thông tới rìa làng sân kho với hàng ngàn tấn hàng hoá và vật liệu chiến tranh trong khi các cơ quan chủ quản không có thủ kho, không có lực lượng bảo vệ hàng mà hoàn toàn uỷ thác cho quân và dân địa phương gìn giữ. Hưng Yên cũng được đón tiếp hàng trăm trường học, bệnh viện, nhà trẻ, cơ quan, xí nghiệp của Trung ương và Hà Nội sơ tán về tiếp tục hoạt động. Để bảo vệ bầu trời và địa bàn phía Đông Nam Thủ đô, vùng trời của Hưng Yên được quy định là vùng tác chiến chủ yếu của Không quân ta, là địa vùng hiệp đồng tác chiến phòng không của ba thứ quân nên nhiều đơn vị tên lửa đất đối không, ra đa tầm xa, pháo phòng không và lập nhiều trận địa chiến đấu cơ bản, trận địa dự bị và trận địa nghi binh để sẵn sàng và thực hành chiến đấu. Vừa trực tiếp chống chiến tranh phá hoại, vừa chuẩn bị sẵn sàng chống chiến tranh cục bộ ra cả nước nên nhiều kho tàng, xưởng lắp ráp và sửa chữa vũ khí - khí tài công nghệ cao của Quốc gia và một số binh chủng thuộc lực lượng Tổng dự bị chiến lược về đứng chân và hoạt động trên địa bàn của tỉnh - kể cả máy bay chiến đấu MIC17 cũng được sơ tán về cất giấu và bảo quản tại chân tre làng… Đây là thời kỳ quân và dân Hưng Yên chuyển từ trạng thái thời bình vào thời chiến hết sức bình tĩnh nhưng rất quyết liệt với quyết tâm sắt đá “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” rất cao.

Đến khi Hưng Yên hợp nhất với Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng (3-1968), do yêu cầu ngày càng cao của cả chiến trường miền Nam và miền Bắc. Tỉnh đội có cơ cấu và quy mô tương đương cấp sư đoàn, gồm cơ quan Tỉnh đội, các Huyện đội, Thị đội, Trường Quân chính Tỉnh đội được mở rộng đào tạo cấp tốc sĩ quan cấp phân đội (2 khoá), 2 tiểu đoàn pháo Phòng không (Tiểu đoàn 58 và Tiểu đoàn 75), Đại đội Công binh công trình, các phân đội phục vụ chiến đấu. Tỉnh đội còn quản lý, chỉ huy trung đoàn (Trung đoàn 8 Hải Hưng sau hợp nhất với Trung đoàn 2 của Quân khu thành Trung đoàn 2 Hải Hưng) thường xuyên có 10 tiểu đoàn đủ quân chuyên huấn luyện và bổ sung thẳng cho chiến trường, sau được giao là trung đoàn cơ động sẵn sàng chiến đấu của địa phương, 1 Đoàn điều dưỡng thương binh, bệnh binh tương đương cấp trung đoàn (Đoàn 155); gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hải Hưng có thêm Đoàn 125 tương đương cấp trung đoàn và Đoàn 183 tương đương cấp tiểu đoàn.

Do yêu cầu mới của nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương, ngày 16-7-1971, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 198/CT-TTg về “Tăng cường công tác quân sự địa phương trong tình hình mới” mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho cơ quan Quân sự địa phương đủ sức bảo vệ địa phương trong mọi tình huống. Tỉnh đội được chuyển thành Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, các Huyện đội được chuyển thành Ban chỉ huy Quân sự huyện, các Xã đội được chuyển thành Ban chỉ huy Quân sự xã. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng ra đời và chính thức làm việc theo quy định mới từ ngày 16-4-1971 cho đến khi tách tỉnh Hải Hưng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên được tái lập (01-01-1997).

Vừa hết lòng hết sức chi viện tiền tuyến, chiến đấu bảo vệ địa phương, LLVT Hải Hưng đã làm tốt vai trò một đội quân lao động - sản xuất. Nơi nào khó, nhiệm vụ nào nặng nề và nguy hiểm thì bộ đội và dân quân tự vệ đón nhận và đều hoàn thành xuất sắc như đắp đê Võng Phan đang có nguy cơ bị vỡ giữa mùa lũ lớn; như hoàn thành các công trình cuối cùng của hệ thống Bắc - Hưng - Hải là xây lắp cống An Thổ (Ninh Giang), làm mới cống Cầu Xe (Tứ Kỳ)… Khi Nhà nước cần xây dựng gấp Nhà máy nhiệt điện Phả Lại nhưng rất thiếu vật liệu xây dựng, Hải Hưng đã đưa ngay bộ đội lên công trường lập xưởng sản xuất gấp 5 triệu viên gạch để kịp thời xây các công trình phụ trợ. Nhu cầu xây dựng sau chiến tranh rất lớn, được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Quân khu, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã nhận trước Tỉnh uỷ - Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Công trường Chiến thắng tại Tuần Mây, xây dựng một công trình hai tác dụng: vừa có nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ mới với sản lượng 20 triệu viên mỗi năm; vừa “cải tạo dòng sông, khơi thông dòng chảy”, nắn dòng sông Kinh Môn vốn ngoằn ngoèo ứ trệ để lấy đất làm gạch và tiêu úng, chống ngập… Những thành tích mãi mãi đi vào tâm thức nhân dân về vai trò của LLVT trong lao động - sản xuất là hai lần chống lụt vào các năm 1968 và 1971.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ba thứ quân trên địa bàn Hải Hưng đã bắn rơi 85 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái - riêng bộ đội địa phương Hưng Yên bắn rơi 2 chiếc và dân quân cơ động Hưng Yên bắn rơi 2 chiếc; thường xuyên đảm bảo giao thông vận tải thông suốt; tích cực xây dựng thế trận sẵn sàng đánh bại quân địch nếu chúng liều lĩnh mở rộng chiến tranh cục bộ ra miền Bắc và hết lòng hết sức chi viện miền Nam ruột thịt. Liên tục trong 17 năm tuyển quân theo Luật nghĩa vụ quân sự và đặc biệt là trong 11 năm động viên thời chiến (1970 - 1975), đợt nào, năm nào Hải Hưng cũng giao vượt quân số với chất lượng cao, kể cả giao quân khi chiến tranh phá hoại ác liệt và trong lũ lụt. Riêng Hưng Yên đã bổ sung cho Quân đội 85.418 người, chiếm trên 10% dân số toàn tỉnh lúc đó, có nơi lên tới 12,7% như huyện Phù Cừ và 14% như xã Đông Kinh (Khoái Châu). Riêng Trung đoàn 2 của tỉnh, chỉ trong 6 năm (từ 1970 đến 1975) đã xây dựng, huấn luyện và bổ sung thẳng cho chiến trường miền Nam tới 111 tiểu đoàn gồm 70.271 cán bộ, chiến sĩ. Ngoài giao quân thường xuyên, Hải Hưng còn xây dựng và giao gọn 2 trung đoàn (Trung đoàn Tô Hiệu của Hưng Yên giao năm 1967 và Trung đoàn 8 Hải Hưng giao năm 1968), 4 tiểu đoàn mang tên Tô Hiệu, 5 tiểu đoàn Bãi Sậy, 4 tiểu đoàn bộ đội nữ mang tên Hoàng Ngân, 1 tiểu đoàn súng máy cao xạ và 2 Đoàn (tương đương trung đoàn) đi bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng. Hải Hưng cũng đã đón tiếp, điều dưỡng, tổ chức ra quân theo các hướng cho 15.678 thương binh từ các chiến trường trở về; đón tiếp, nuôi dưỡng và giải quyết chính sách cho 1.782 cán bộ, chiến sĩ bị địch bắt thuộc các tỉnh trên miền Bắc và một số tỉnh miền Nam buộc địch phải trao trả sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết…

Với những thành tích lớn lao về nhiều mặt, LLVT Hải Hưng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân” cho tỉnh (gồm cả Hưng Yên và Hải Dương), được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. 18 đơn vị thuộc Hưng Yên gồm huyện, xã, phường thị trấn và 15 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” thời chống Mỹ. Tất cả 10 huyện, thị xã (nay là thành phố) đều được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến và Huân chương Chiến công. 90% số xã của Hưng Yên được tặng thưởng Huân chương, riêng 2 huyện Phù Cừ và Văn Giang có 100% số xã được tặng thưởng Huân chương. Trung đoàn Tô Hiệu được tuyên dương 2 lần danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân”.

Đất nước vừa thống được hai năm thì lại xảy ra hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới. Cùng với quân và dân cả nước, LLVT Hải Hưng lại tiếp tục ra trận để quyết tâm giữ từng thước đất của Tổ quốc. Hàng chục đơn vị dân quân do Huyện đội chỉ huy được gửi vào Long An - Đồng Tháp vừa làm thuỷ lợi, khai phá đất hoang, vừa góp phần gìn giữ biên cương phía Nam của Tổ quốc. Từng đoàn cán bộ quân sự cấp tỉnh, cấp huyện được cử ra Quảng Ninh, Lạng Sơn để tăng cường cho biên giới. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng dự bị lại sẵn sàng tái ngũ để đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ đã tiến lên Biên giới làm công sự, xây dựng trận địa và tăng cường cho các làng bản đã trở thành những công dân bản địa trực tiếp giữ gìn biên cương của Tổ quốc.

3. Bước vào thời kỳ đổi mới, LLVT Hải Hưng càng tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, càng quyết tâm sát cánh cùng Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất, xây dựng LLVT vững mạnh về mọi mặt, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân nhằm xây dựng địa phương thành khu vực phòng thủ vững chắc về mọi mặt, đủ sức đánh thắng mọi âm mưu “diễn biến hoà bình” và các thủ đoạn chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch… đưa Hải Hưng trở thành tỉnh 10 năm liền dẫn đầu phong trào thi đua “Làm giàu, đánh thắng” của Quân khu.

Suốt 29 năm hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, LLVT Hưng Yên đã sát cánh cùng quân và dân tỉnh mới đoàn kết phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, kiên cường lập nhiều chiến công mới, góp phần xứng đáng vào việc LLVT nhân dân tỉnh Hải Hưng được tuyên dương “Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân”; và mãi mãi coi những chiến công, thành tích đó là tài sản vô giá chung của quân và dân hai tỉnh.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ đổi mới, nhân dân và LLVT Hưng Yên được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: LLVT tỉnh, Lực lượng nữ Du kích Hoàng Ngân, 10 huyện, thành phố; 70 xã, phường, thị trấn và 37 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó 12 cá nhân thuộc các đơn vị LLVT tỉnh; 2048 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng"; nhiều đồng chí phát triển thành các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong Quân đội, đã là niềm vinh dự to lớn, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT Hưng Yên chúng ta.

* Truyền thống của LLVT tỉnh Hưng Yên

72 năm một chặng đ­ường vinh quang, đầy gian khổ hy sinh, xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, trong mư­a bom bão đan, khói lửa chiến tranh hay trong hoà bình. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng với Tổ quốc và nhân dân, lập đ­ược nhiều chiến công oanh liệt, thành tích hào hùng trong các cuộc kháng chiến trư­ớc đây cùng với những thành quả rất đáng phấn khởi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, đã xây dựng lên truyền thống “Đoàn kết - Chủ động - Sáng tạo - Kiên cư­ờng - Chiến thắng”, góp phần tô thắm thêm truyền thống của QĐND Việt Nam anh hùng, của LLVT Quân khu 3 và của quê h­ương Hư­ng Yên văn hiến, cách mạng.

II. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, LLVT TỈNH TIẾP TỤC CỦNG CỐ THẾ TRẬN QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN, GÓP PHẦN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NGÀY CÀNG GIÀU MẠNH (1997 - 2019)

Ngày 6-11-1996, Quốc hội khoá IX ra Nghị quyết về chia tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hưng Yên được tái lập ngày 1 tháng 1 năm 1997.

Cùng với tỉnh Hư­ng Yên, Bộ CHQS tỉnh đư­ợc tái lập, từ tháng 1/1997 đến nay Đảng uỷ- Bộ CHQS tỉnh đã làm tốt chức năng tham mưu với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc; tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc diễn tập Khu vực phòng thủ cấp tỉnh, diễn tập phòng thủ, phòng chống lụt bão cấp huyện, thành phố; diễn tập quốc phòng, an ninh các sở, ngành và diễn tâp chiến đấu phòng thủ cụm xã, phường, thị trấn đã giúp cho cấp uỷ, chính quyền các địa phương luôn nêu cao cảnh giác, chủ động, sáng tạo và sẵn sàng đối phó thắng lợi trước mọi tình huống xảy ra ở cơ sở. Thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; các chức sắc, chức việc tôn giáo, chủ hộ giáo dân và học sinh, sinh viên. Phối hợp với Sở giáo dục và đào tạo, Tỉnh đoàn mở các lớp học kỳ Quân đội cho các cháu học sinh. Thông qua đó đã tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đư­ợc tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, đúng luật định. Công tác tuyển sinh quân sự được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc đã tạo thuận lợi cho thanh niên được phấn đấu rèn luyện trong môi trường Quân đội. Công tác xây dựng lực lư­ợng DQTV theo đúng Pháp lệnh và Luật DQTV với cơ cấu, số lượng hợp lý, coi trọng phát triển các đơn vị tự vệ trong các cơ quan, doanh nghiệp. Hằng năm đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức các khóa đào tạo trung cấp chuyên ngành quân sự cho đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã; đào tạo sĩ quan dự bị bảo đảm chất lượng, tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự để bố trí sắp xếp nguồn DBĐV cho các đơn vị của Bộ, Quân khu và của tỉnh.

Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chính sách hậu ph­ương quân đội đư­­­ợc đẩy mạnh. Thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở địa phương; xây dựng quỹ xoá đói giảm nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách tiêu biểu, tặng sổ tiết kiệm, tặng giống, vốn, vật nuôi cho các gia đình thư­ơng binh, liệt sĩ tiêu biểu trị giá hàng tỷ đồng; hằng năm nhân các dịp kỷ niệm, các đơn vị trong LLVT tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho đối t­ượng chính sách trên địa bàn. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giới thiệu việc làm và "Chung sức xây dựng nông thôn mới" của LLVT tỉnh đã góp phần tích cực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, để lại nhiều ấn tư­ợng tốt đẹp trong lòng cán bộ và các tầng lớp nhân dân địa trong tỉnh.

Công tác xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện được thực hiện có hiệu quả. Th­ường xuyên duy trì nghiêm túc chế độ SSCĐ, phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn; hằng năm Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị cơ sở đều xây dựng bổ sung, luyện tập các ph­ương án chiến đấu, tổ chức diễn tập chỉ huy - cơ quan không để bị động bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Tổ chức tốt các lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên trư­ớc mỗi giai đoạn huấn luyện bảo đảm đúng phương châm, đúng nội dung, chương trình, thời gian; coi trọng huấn luyện cán bộ và các phân đội làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Tham gia các cuộc hội thao, hội thi do Quân khu 3 và Bộ Quốc phòng tổ chức luôn đạt thành tích cao, qua đó đã góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, năng lực tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến của từng cá nhân, phân đội và ngư­ời chỉ huy các cấp cũng như­ khả năng vận dụng vào tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống của LLVT tỉnh.

Những kết quả, thành tích mà cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh nỗ lực phấn đấu đạt đ­ược trong những năm qua đã góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng tỉnh Hưng Yên ngày càng giàu đẹp.

Ghi nhận những thanh tích mà cán bộ, chiến sỹ LLVT tỉnh đạt được, từ năm 2011 đến 2018, Bộ CHQS tỉnh luôn được Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 và UBND tỉnh khen thưởng, trong đó năm 2011, 2014 được Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng Cờ Thi đua Quyết thắng, năm 2015 được UBND tỉnh tặng Cờ Thi đua xuất sắc, 5 năm liền Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh; năm 2015 đ­ược Tỉnh ủy tặng Bằng khen Tổ chức Đảng đạt TSVM có thành tích tiêu biểu 5 năm (2011 - 2015); năm 2016 được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; năm 2017, 2018 được Bộ Quốc phòng tặng cờ trong phong trào thi đua quyết thắng. Đặc biệt năm 2012 Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba và hạng Nhì vào năm 2016.

 

PHÒNG CHÍNH TRỊ - BỘ CHQS TỈNH


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Bình chọn
      Thống kê: 775.237
      Online: 15