Hơn nửa thế kỷ tham gia cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thượng tướng, Giáo sư (GS), Nhà giáo Nhân dân (NGND) Hoàng Minh Thảo là một trong những vị tướng dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán. Ở Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, những phẩm chất này đã ngấm sâu, hòa với tấm lòng trung thành với Đảng, với dân tộc thành nét riêng của ông. Tên tuổi của Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo gắn liền với chiến thắng các chiến dịch, từ chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến chiến dịch Tây Nguyên; gắn liền với chiến thắng trên mặt trận Tây Nguyên là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo

Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo luôn suy nghĩ và hành động dựa trên niềm tin khoa học vững chắc. Với Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng là ý chí và nguyện vọng của nhân dân, dân tộc; là kim chỉ nam dẫn đường cho nhận thức và mọi hoạt động của ông. Trong cuộc đời cách mạng của mình, dù phải sống và hoạt động ở những điều kiện cực kỳ khó khăn, gian khổ ở những ngày đầu kháng chiến chống Pháp hay trong những năm ở chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo luôn có một niềm tin vững chắc vào sự dẫn dắt của Đảng, Bác Hồ và sự thành công của cách mạng. Ông từng khẳng định: Bí quyết giúp chúng tôi thành công là lòng tin không có gì lay chuyển nổi vào sự lãnh đạo kháng chiến của Trung ương Đảng, Bác Hồ tin tưởng vào sự tất thắng của cách mạng. Nhờ đó, ông phát huy được sức mạnh tổng hợp, đoàn kết được cán bộ, chiến sĩ để tạo nên động lực, sức mạnh chiến thắng kẻ thù.

Thông qua thực tiễn kháng chiến, với nhãn quan chính trị, quân sự sắc sảo, với tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất cụ thể, Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo đã tổng kêt các trận đánh, chiến dịch, hoạt động quân sự, từng bước tích lũy kinh nghiệm và dùng kinh nghiệm ấy để chỉ đạo lại thực tiễn. Ông đã từng viết thành những bài học: “Mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế điều địch. Lừa địch là tạo ra bất ngờ. Điều địch là giành được chủ động và bất ngờ và chủ động là mạch sống của tác chiến”, đúc thành những bài học kinh nghiệm. Nhờ đó, ông có những đóng góp to lớn trong việc bổ sung, phát triển đường lối, lý luận quân sự của Đảng, đặc biệt là phương pháp và lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân; phương pháp luận nghiên cứu chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự; chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội toàn diện cả về phẩm chất, năng lực và tư duy quân sự. Trước những kẻ thù có tiềm lực quân sự, kinh tế mạnh hơn ta gấp nhiều lần, lại vô cùng thâm độc như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã cùng lãnh đạo, chỉ huy các cấp kịp thời đề ra phương hướng, phương châm, giải pháp, cách đánh độc đáo, sáng tạo; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng ý chí, quyết tâm và tạo nên sức mạnh đánh thắng kẻ thù bằng thế và lực của ta.

Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo là người luôn nắm vững những vấn đề cơ bản của đường lối chiến tranh, nghệ thuật quân sự của Đảng để có phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Về phương pháp luận để nghiên cứu về nghệ thuật quân sự cũng như về chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, ông thường yêu cầu các cán bộ cấp dưới phải nêu cao tính giai cấp (tính đảng), tính khách quan, khoa học. có quan điểm lịch sử và tính dự báo khoa học, thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, đề cao tính sáng tạo, đồng thời biết kết hợp chặt chẽ các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể. Về phương pháp nghiên cứu, tùy theo tính chất và yêu cầu của từng đề tài, công trình mà xác định và vận dụng kết hợp nhiều phương pháp, trong đó phải có một hoặc một vài phương pháp nghiên cứu cơ bản. Theo Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, muốn nghiên cứu, chỉ đạo chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự cần có phương pháp luận. Có phương pháp luận mới nghiên cứu, dự báo chiến lược và chỉ đạo được đúng đắn, không chủ quan, phiến diện, không nôn nóng, thoát ly thực tế, và cũng không rụt rè, thiếu phát huy tính năng động chủ quan, thiếu mạnh dạn, sáng tạo, đề xuất những cái mới hợp lý có khả năng thực hiện, sát hợp thực tế, điều kiện hoàn cảnh khách quan, chủ quan. Nắm được quy luật vận động của sự vật và giải quyết các mâu thuẫn trong quá trình vận động đó để cho sự vật phát triển đúng hướng.

Phương pháp luận của phép duy vật lịch sử và phép duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là căn cứ lý luận, là nền tảng khoa học để xem xét và giải quyết các vấn đề diễn ra trong thực tiễn. Thượng tướng khẳng định: Mọi sự vật vận động đều có quy luật của nó; có quy luật phổ biến và quy luật đặc thù. Sự vật vận động trong mâu thuẫn để phát triển. Nghiên cứu chiến lược, chiến tranh cũng như các sự việc khác đều cần phải phát hiện mâu thuẫn, phát hiện hai mặt đối lập của sự vật và biết cách giải quyết mâu thuẫn thì mới thành công, mới giành được thắng lợi.

Quy luật quân sự, quốc phòng, chiến tranh của ta là phải giải quyết mâu thuẫn: Một nước nhỏ đánh thắng một nước xâm lược lớn; một nước nghèo, kém phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ, chống chọi được với một nước lớn mạnh hơn mình về các mặt đó. Ta còn phải giải quyết mâu thuẫn giữa xây dựng hòa bình phát triển kinh tế nâng cao đời sống của nhân dân với việc củng cố sức mạnh quốc phòng, an ninh để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nhấn mạnh: Quy luật chiến tranh là mạnh được yếu thua. Các cụ từ Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh đều nhận thấy quy luật đó. Các cụ thấy rằng yếu cũng có thể thua và cũng có thể không thua, có thể thắng. Muốn để không thua và để thắng thì phải làm cho nó mạnh dần lên và cuối cùng phải mạnh ngang địch và có thể hơn địch ở một mức độ nào đó, ở một điểm nào đó để thắng địch. Ta phải đứng vững, đừng để thua, biết cách không thua rồi chuyển hóa yếu thành mạnh để thắng địch. Muốn không thua thì phải dám đấu tranh, biết cách, có cách đấu tranh để đứng được. Qua đấu tranh, biết cách đấu tranh, biết sáng tạo để mạnh dần lên, rồi chuyển hóa ta yếu trở thành mạnh, địch mạnh trở thành yếu. Từ đó mà ta đánh thắng được.

Sinh thời, Trần Hưng Đạo từng nói: “Dĩ đoản chế trường”. Nguyễn Trãi nói: “Yếu đánh mạnh hay đánh bất ngờ; ít địch nhiều thường dùng mai phục”. Hồ Chí Minh nói: “Nay tuy châu chấu đá voi; nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”.

Có nhiều các đánh địch. Sự vật rất phức tạp, có rất nhiều hình vẻ, không cái nào giống cái nào. Nhận thức của ta của ta cũng không nên máy móc cứng nhắc, phải linh hoạt, uyển chuyển. Trần Hưng Đạo 3 lần đánh bại quân Nguyên-Mông. Mỗi lần thắng đều đánh đuổi được địch buộc chúng phải tháo chạy ra khỏi bờ cõi. Trong chiến tranh thế giới thứ II, Hồng quân Liên xô thắng phát xít Hít le bằng cách đánh tới tận hang ổ của địch ở nước địch, chiếm Béc lin, sào huyệt cuối cùng của địch để diệt hết họa phát xít xâm lược. Ta thắng Pháp mới đến vĩ tuyến 17 và ta thắng Mỹ bằng cách đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào và cuối cùng mới thắng lợi hoàn toàn. Đó cũng là cách giải quyết mâu thuẫn về cách thắng địch.

Phương pháp luận chỉ đạo chiến tranh của ta là phương pháp luận của nước nhỏ đánh nước lớn, kinh tế, kỹ thuật thấp chống kỹ thuật cao. Đó là vấn đề rất khó, là một mâu thuẫn rất lớn, rất gay gắt. Để giải quyết mâu thuẫn đó, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh chất chính nghĩa của chiến tranh để huy động sức mạnh chính trị tinh thần của toàn dân đoàn kết, toàn dân tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện để bảo vệ Tổ quốc và giải phóng dân tộc.

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã chỉ rõ: Cách thứ nhất giải quyết mâu thuẫn là xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, một nhân tố cơ bản hàng đầu để ít địch nhiều, nhỏ đánh lớn. Dám đánh rồi sẽ giải quyết mâu thuẫn về cách đánh, về biết đánh. Địch mạnh hơn ta về vũ khí trang bị, kỹ thuật thì ta phải đánh bằng chiến tranh toàn dân, toàn diện; đánh ở khắp mọi nơi địch đến, cài xen kẽ với địch, không cho địch phân tuyến, không cho địch tự do tung hoành, làm cho địch phải phân tán, đông mà hóa ít; bị tiêu hao, bị sát thương nhiều. Về phương thức tiến hành chiến tranh thì kết hợp chiến tranh du kích toàn dân với chiến tranh chính quy, làm cho địch vừa bị tiêu hao, vừa bị tiêu diệt. Về cách đánh thì đánh quân địch vận động ở dã chiến, đánh địch ở ngoài công sự trước, đánh địch trong công sự sau; đánh địch ở khắp mọi nơi và đưa địch vào địa hình ta lựa chọn, vào thế thiên hiểm để tiêu diệt, đánh bằng mưu và bằng thế, đưa địch vào chỗ bất lợi mà đánh, mà tiêu diệt. Ta kém địch về vũ khí trang bị, kỹ thuật, nên không thể chỉ dùng lực chọi lực, chỉ dùng cứng chọi cứng; mà phải vừa mềm vừa cứng. Dừng lực ít mà mưu cao, thế hiểm thì ít sẽ hóa nhiều, yếu sẽ hóa mạnh.

Phương pháp luận của ta quân nhỏ đánh quân lớn, quân yếu về vũ khí kỹ thuật đánh quân mạnh về vũ khí kỹ thuật nên nó có nét đặc trưng. Nét đặc trưng đó đã tạo ra những điểm độc đáo của nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam. Điểm độc đáo đó là sức mạnh chính trị tinh thần của sự đoàn kết toàn dân trên tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc và trí thông minh sáng tạo, tài nghệ mưu trí, dũng cảm của dân tộc. Địch mạnh hơn ta, chiến lược của chúng là đánh nhanh thắng nhanh. Làm thế nào ta chống lại được và thắng được. Đó là một mâu thuẫn rất gay gắt. Giải quyết mâu thuẫn đó thì ta phải làm ngược lại, vì ta nhỏ hơn địch. Chiến lược của ta là đánh dài, đánh chậm, ngược lại với chiến lược của địch, phá chiến lược của địch. Mưu lược của ta là đánh dài, tiêu hao, sát thương, tiêu diệt địch, làm cho địch mạnh dần dần trở thành yếu, còn tao yếu thì dần dần trở thành mạnh và cuối cùng thắng địch. Đó là cách giải quyết mâu thuẫn trong chiến tranh, là phương pháp luận lãnh đạo chiến tranh và cũng là nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh, là quy luật của quân nhỏ đánh lớn, quân ít địch nhiều, là kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp giữa tinh thần và vũ khí, kết hợp giữa chiến thuật và kỹ thuật. Ở đây cũng có vấn đề là tránh sức mạnh ban đầu của địch để ta đứng vững, địch giảm sức mạnh rồi ta tiến công tiêu diệt như thời Lý, Trần, Quang Trung.

Ngày nay, nhiệm vụ trung tâm hàng đầu của ta là xây dựng, phát triển kinh tế, nhưng nhiệm vụ bảo vệ đất nước cũng không được coi nhẹ. Hai nhiệm vụ có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau. Bảo đảm sự tương đồng giữa 2 nhiệm vụ cũng là biết cách giải quyết mâu thuẫn, xác định mức độ trọng tâm, với các thứ tự ưu tiên có tính khả thi trong thực hiện các nhiệm vụ là một nghệ thuật trong lãnh đạo, là biết kết hợp khách quan với chủ quan, biết thống nhất, hài hòa giữa chủ quan và khách quan, là biết dựa theo điều kiện, tình hình cụ thể để có chủ trương, xử lý các sự việc, không gây ra mâu thuẫn trong quá trình thực hiện. Khó nhất trong phương pháp luận lãnh đạo là đảm bảo sự tương xứng của các nhiệm vụ. Có sự cân đối giữa các nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm, có các thứ tự ưu tiên kết hợp lý thì toàn cục mới phát triển nhịp nhàng được, các mục tiêu mới có tính khả thi, các này tạo điều kiện cho cái kia phát triển.

Một nhu cầu cấp thiết hiện nay là phải hiện đại hóa quân sự, quốc phòng. Ta tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo nền kinh tế của ta và theo tư tưởng, cách đánh Việt Nam. Tư tưởng quân sựu và cách đánh của ta cũng dựa trên cơ sở nền kinh tế, nền công nghiệp. Chính trên cơ sở đó mà có ý thức giữ cân đối trong nhiệm vụ xây dựng các thứ quân, các quân binh chủng, giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, giữa các chiến trường. Ta hiện đại hóa quân sự, quốc phòng có trọng tâm, trọng điểm, các thứ tự ưu tiên, có giải pháp và bước đi phù hợp tối ưu, có thời gian, không thoát ly thực tế của tình hình chính trị và kinh tế của đất nước và có sự nghiên cứu, dự báo về phát triển chiến lược.

Phương pháp luận của ta là tiến lên hiện đại của một nước nghèo, kinh tế chậm phát triển. Đó là vấn đề khó. Ta có chiến tranh nhân dân mạnh, lục quân ta mạnh. Ta tập trung vào hiện đại hóa các quân chủng kỹ thuật. Hiện đại hóa các quân chủng kỹ thuật cũng phải có chọn lọc. Phải tập trung vào các binh chủng then chốt, cần thiết, cần có kỹ thuật cao. Như thế ít tiễn vẫn có thể thực hiện được, thực hiện từng bước hiện đại hóa ở một số khâu xung yếu. Mũi nhọn của chiến tranh ngày nay là tiến công hỏa lực đường không, nên phải tập trung vào Quân chủng Phòng không – Không quân. Sức mạnh Phòng không – Không quân là phát huy sức mạnh phòng không của ba thứ quân. Đó là cách giải quyết mâu thuẫn chủ yếu của chiến tranh và giải quyết mặt cân đối của sự vận động của sự vật.

Với tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc, với sức mạnh chính trị, tinh thần truyền thống của dân tộc, với tư tưởng đường lối quân sự đúng đắn, tiên tiến, với nghệ thuật quân sự tài giỏi đã được tôi luyện qua nhiều cuộc chiến tranh, với chiến tranh nhân dân phát triển, với lục quân mạnh, ta tập trung vào hiện đại hóa có chọn lọc một số binh chủng then chốt của các quân chủng kỹ thuật thì nhất định chúng ta có đủ sức mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

Phương pháp luận là phương pháp nghiên cứu quy luật; nghiên cứu các điều kiện khách quan và chủ quan của sự hình thành và vận động của sự vật. Bao giờ nhìn nhận sự vật cũng phải thấy các điều kiện hoàn cảnh của nó; không máy móc, cứng nhắc, rập khuôn; phải rất linh hoạt, sáng tạo; vì sự vật luôn vận động, phát triển và thể hiện ra nhiều vẻ. Nhìn nhận sự vật phải thấy cả hình thức và bản chất; quan trọng nhất là bản chất. Có thể mới sáng tạo và phát triển. Không giáo điều và không bảo thủ. Phải mạnh dạn phát triển theo nguyên lý và quy luật, nhưng không phiên lưu, lại không rụt rè, phải thực tế và sáng tạo.

Nhận thức sự vật cần luôn thấy hai mặt đối lập của nó, có thế mới không phiến diện. Hai mặt đối lập luôn đấu tranh với nhau, đấu tranh rất phức tạp, và có thể chuyển hóa lẫn nhau. Mạnh thắng yếu là lẽ thông thường, là quy luật phổ biến – nhưng yếu cũng có thể thắng mạnh. Đó là quy luật không phổ biến lắm nhưng qua đấu tranh thì mạnh, yếu có thể chuyển hóa. Phải đấu tranh, đấu tranh kịch liệt thì mới có thể sinh ra sự chuyển hóa được. Đó là logic biện chứng, là đấu tranh của mâu thuẫn.

Theo GS, NGND Hoàng Minh Thảo, bồi dưỡng phương pháp luận để lãnh đạo, chỉ huy, nghiên cứu khoa học là vấn đề rất quan trọng. Vì có phương pháp luận đúng mới nhận thức được sự vật, mới chỉ đạo sự vật đi đúng đường hướng, đi đúng quy luật để giành thắng lợi – nắm phương pháp luận là một điều khó, là một nghệ thuật cao trong nghiên cứu và lãnh đạo, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là con người. Cần phải qua lý luận và thực tiễn để trao dồi, vận dụng và phát triển phương pháp luận trong nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự.

Học tập tấm gương Thượng tướng, GS, NGND Hoàng Minh Thảo về sự năng động, sáng tạo trong suy nghĩ và hành động, nhất quán giữa nói và làm, lý luận gắn với thực tiễn; dân chủ, chân tình, cởi mở, sâu sát cơ sở, sâu sát thực tiễn, chú ý lắng nghe ý kiến của quần chúng nhưng cũng rất độc lập suy nghĩ. Ông là tấm gương sáng về phương pháp luận nghiên cứu chiến lược quân sự, quốc phòng của Đảng và Bác Hồ, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời đại Hồ Chí Minh.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Bình chọn
      Thống kê: 1.055.041
      Online: 30