Nghiên cứu, nhận biết chính xác những nhận thức lệch lạc và hành động chưa đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình từ thực tiễn hiện nay, tìm gia các giải pháp khắc phục là việc làm có ý nghĩa thực tiễn đối với các tổ chức đảng trong toàn Đảng hiện nay.

Một buổi học Chính trị của Ban CHQS thành phố

Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Trong thực hiện tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến; một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao”. Soi vào thực tế hiện nay, chúng ta thấy một số tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức lệch lạc và chưa đầy đủ nội dung, bản chất của nguyên tắc tự phê bình và phê bình; do đó khi vận dụng thực hiện các nội dung nguyên tắc này đã có những biến dạng, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như trong tổ chức sinh hoạt Đảng đúng như nghị quyết của Đảng đã khẳng định.

Trước hết, trong tự phê bình và phê bình vẫn còn quan niệm tự phê bình là chỉ nói ưu điểm của mình, hoặc chỉ nói khuyết điểm của mình. Một số cán bộ, đảng viên còn biến tự phê bình thành thứ trái ngược với nó để thực hiện những mưu đồ cá nhân hẹp hòi, ích kỷ; hoặc dùng tự phê bình để khẳng định mình một cách vô lối, tự đánh bóng, tâng bốc mình, tự tạo uy tín của mình một cách giả hiệu. Không ít cán bộ, đảng viên quan niệm phê bình là vạch cái sai của người khác, là đấu tranh không khoan nhượng với người mắc những sai phạm, khuyết điểm, hoặc chỉ tham gia ý kiến phê bình chung chung, phê để nịnh, để khen và tâng bốc nhau, thậm chí vu khống, dựng chuyện bôi nhọ, loại trừ nhau.

Nội dung kiểm điểm của tập thể và cá nhân có “độ vênh” khá lớn. Khuyết điểm của cá nhân chưa thể hiện đầy đủ, khuyết điểm chung của tập thể đã nêu trong báo cáo. Đảng ta vẫn coi tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nhưng cho đến nay, hầu như chưa có cán bộ, đảng viên nào tự nhận mình có tham nhũng, có vi phạm đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước?

Tự phê bình và phê bình vẫn còn nặng tình trạng “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, “dĩ hòa vi quý”, “dễ người, dễ ta”, “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng” chưa nhìn thẳng vào sự thật, chưa đưa được những vấn đề nổi cộm của cơ quan, đơn vị, địa phương vào kiểm điểm. Đối với cán bộ, đảng viên phần kiểm điểm về đạo đức, lối sống còn hời hợt, qua loa. Chưa thực hiện cơ chế xử lý đối với các tổ chức, cán bộ, đảng viên tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu. Trong công tác cán bộ, đảng viên, chưa theo đúng quy luật “muốn phát triển, phải chấp nhận đào thải”. “Có vào, có ra, có lên, có xuống” phải trở thành nền nếp bình thường.

Những vấn đề trên là biểu hiện nhận thức và thực hiện chưa đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Để khắc phục hiện tượng này, các tổ chức đảng và từng đảng viên cần thực hiện tốt những vấn đề sau:

Tự phê bình và phê bình nhằm mục đích giúp nhau cùng tiến bộ, nên động cơ phải đúng đắn, trong sáng, dựa trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Khi phê bình người khác không được áp đặt, xoi mói mang tính “bới lông, tìm vết”, “hạ bệ" lẫn nhau; phê bình việc chứ không phê bình người, tránh công kích cá nhân, trả thù. Thực hành tự phê bình và phê bình phải dân chủ, không mệnh lệnh, áp đặt. Phải có thái độ kiên quyết, “ráo riết, triệt để”, đúng mức, không nể nang, thêm bớt, hời hợt, quanh co, chiếu lệ, sai đúng rõ ràng. Nhờ đó, giúp cho người có khuyết điểm sửa chữa, người khác thấy đó mà phòng, tránh gặp khuyết điểm tương tự.

Những khuyết điểm của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo không được làm rõ thì đến khi chỉ đạo cấp dưới sẽ không thể có sự thẳng thắn, vô tư mà thường rơi vào tình trạng “há miệng mắc quai” và kém hiệu quả. Cán bộ lãnh đạo nhất là những người đứng đầu, không tự giác, nghiêm túc tự phê bình và phê bình thì sẽ trở thành rào cản lớn kìm hãm, làm biến dạng chế độ tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng, chính quyền đoàn thể. Cán bộ lãnh đạo nghiêm túc tự phê bình và phê bình có nghĩa là vừa thực hiện chức năng tự giáo dục, vừa là tấm gương sáng trước cấp dưới và quần chúng; thật sự phát huy dân chủ, người đứng đầu phải gương mẫu.

Mở rộng dân chủ rộng rãi để nhân dân giám sát và tham gia đóng góp xây dựng đội ngũ đảng viên và tổ chức đảng. Đây được coi là biện pháp hữu hiệu để đảng viên và các tổ chức đảng nhận thấy rõ ưu, khuyết điểm của mình trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tự kiểm điểm bản thân về sự gắn bó với quần chúng và sâu sát quần chúng.

Ai cũng có những ưu điểm của mình và có lúc cũng sẽ mắc phải những khuyết điểm, sai sót. Vì vậy, phê bình cùng lúc phải hướng đến hai mục đích: Một là, phải cổ vũ, phát huy những ưu điểm, những cách làm hay, những việc làm tốt và hai là tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm nhằm hướng đến hoàn thiện, tiến bộ hơn. Nếu chỉ nói cái xấu, chỉ trích nhau là sai lệch, làm mất ý nghĩa của phê bình, nhưng nếu cổ vũ ưu điểm, những thành quả đạt được không đúng mức sẽ trở thành tâng bốc, xu nịnh và nó sẽ là cơ hội, là đồng minh của chủ nghĩa cá nhân, của việc kết bè kết cánh, cục bộ gây mất đoàn kết, làm giảm sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Do đó, đòi hỏi người phê bình phải suy nghĩ thật kỹ về điều mình sẽ trình bày, không thêm bớt ưu khuyết điểm, càng khách quan bao nhiêu càng mang lại hiệu quả, càng phát huy ý nghĩa bấy nhiêu. Trong tự phê bình và phê bình từng tổ chức đảng và đảng viên lấy tự phê là chính, trong đó phải tự phân tích mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của mình, nhận xét, đánh giá trung thực, khách quan, toàn diện, có tính xây dựng về người khác; phải coi tự phê bình như “rửa mặt hàng ngày”.

Phát huy vai trò của các tổ chức đảng, đặc biệt là cấp chi bộ. Thực hiện tự phê bình và phê bình ở chi bộ phải có phương pháp phù hợp. Nghĩa là phải có chuẩn bị, có ý thức thường trực, khi phát hiện có dấu hiệu khuyết điểm và sai lầm, phải có nghiên cứu, tìm hiểu lý do, chứng cứ, tâm lý. Cấp ủy phải có lãnh đạo, chỉ đạo và phải làm gương, phải tự giác trước, Phải biết kết hợp cương quyết và mềm dẻo đúng lúc, đúng việc, đúng người, phải chỉ ra những chứng cứ rõ ràng, đồng thời, việc tự phê bình và phê bình phải trên cơ sở thiện ý, chân tình, vì đồng chí, vì tập thể chứ không có động cơ cá nhân. Cấp ủy và đảng viên phải sâu sát, lắng nghe các bức xúc, ý kiến từ nhân dân trong việc phát hiện những khuyết điểm trong công tác, trong hoạt động của cán bộ, đảng viên trên các lĩnh vực công tác để kịp thời kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tránh để bức xúc âm ỉ kéo dài, hoặc “cho qua”, không kiểm điểm, sửa chữa khuyết điểm để ảnh hưởng xấu đến tâm lý, niềm tin của quần chúng nhân dân.

Mục đích của việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình là triển khai thực hiện Nghị quyết TW 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, phục vụ đắc lực cho việc tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; trọng tâm là ngăn ngừa, khắc phục hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ quản lý các cấp, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      /portal
       Liên kết website
       Bình chọn
      Thống kê: 141.800
      Online: 17