Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất huyện Văn Lâm giàu truyền thống cách mạng, trong gia đình có Bố là bộ đội đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía Bắc, chú ruột là Liệt sĩ chống Mỹ. Sau khi học xong THPT, tháng 2.1995, Nguyễn Ích Quảng tình nguyện nhập ngũ vào đơn vị Lữ đoàn 673 - Quân đoàn 2. Đến 01.1997, Anh xuất ngũ trở về địa phương với quân hàm trung sĩ, được biên chế vào lực lượng dân quân thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm

Trở về quê hương, trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, không có nghề phụ đời sống nhân dân địa phương còn ở mức thấp. Nguồn thu của gia đình trông vào hạt lúa, củ khoai, thu nhập từ mấy sào ruộng khoán. Điều đó làm Anh suy nghĩ rất nhiều: “Vợ chồng trẻ có sức khoẻ, có ruộng, có vườn mà kinh tế vẫn khó khăn thiếu thốn”. Năm 2001, anh đã bàn với một số anh em cùng là bộ đội xuất ngũ, sử dụng toàn bộ diện tích vườn của nhà mình gồm trên 400m2 để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến nhựa phế liệu làm thành lưỡi mũ, cầu vai quân hàm, dây lưng, nót cặp sách.

Lúc đầu vì chưa có kinh nghiệm và thương hiệu, sản xuất ra không bán được, cơ sở kinh doanh có nguy cơ bị phá sản. Nhưng bằng nghị lực và ý chí của người lính không nản chí trước khó khăn, Anh đã tìm mua tài liệu hướng dẫn về phương pháp, cách làm, vừa đọc, nghiên cứu tài liệu, vừa tận dụng thời gian rảnh rỗi đi đến các địa phương có truyền thống làm nghề này để học tập làm sao cho sản phẩm đến người tiêu dùng đảm bảo chất lượng, mẫu mã, giá thành hợp túi tiền người tiêu dùng. Trải qua bao thăng trầm, khó khăn vất vả, đến nay xưởng sản xuất kinh doanh chế biến của Anh đã thu hút được từ 20 đến 30 người lao động chủ yếu là bộ đội xuất ngũ và thanh niên địa phương vùng lân cận.

Anh chia sẻ: “Mỗi ngày số lượng sản xuất ra 500 đến 700kg nhựa, làm được chục nghìn sản phẩm xuất ra thị trường (một bộ sản phẩm gồm một lưỡi mũ, một đôi cầu vai, một đôi tiết, một đôi quân hàm, một nót trong của caravats) trị giá mỗi bộ sản phẩm 2.100 đến 2.900 đồng, mỗi ngày doanh thu đạt trên 21 triệu đồng, một tháng doanh thu từ 600 - 700 triệu đồng, mỗi năm từ 7 - 8 tỷ đồng. Trừ chi phí mỗi năm Anh cũng thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng, thu nhập bình quân của người làm công từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng”. Nhận thức rõ, thu nhập từ kinh doanh chế biến sản xuất tái chế nhựa đã giúp cho kinh tế gia đình ổn định và giải quyết công ăn việc làm cho một số anh em bộ đội xuất ngũ và thanh niên địa phương lân cận; đồng thời góp phần làm sạch môi trường. Do vậy, Anh Quảng đã mạnh dạn mở rộng sản xuất và xuất đi các nơi tiêu thụ. Thương hiệu cơ sở sản xuất nhựa của Anh đã có tiếng không chỉ trên địa bàn huyện Văn Lâm mà còn xuất ra các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước.

Ngoài làm tốt việc phát triển kinh tế; Anh Quảng còn hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ của người Trung đội trưởng Dân quân cơ động. Tích cực tham gia tập trung huấn luyện, báo động kiểm tra quân số, đi làm nhiệm vụ phòng chống bão lũ,... tích cực vận động anh em thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự; chỉ huy, tổ chức tốt Trung đội DQCĐ xã tham gia các phong trào giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế xã hội; góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu, đẹp, văn minh.

Với những thành tích trong lao động sản xuất và trong công tác, từ năm 2013 đến nay Anh Quảng luôn được UBND huyện và Ban CHQS huyện khen thưởng, đặc biệt ngày 14.4 vừa qua, Anh còn được Đảng ủy Quân sự tỉnh tuyên dương là một trong các điển hình tiên tiến 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.

                                                                                                                                                                    


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Bình chọn
      Thống kê: 775.905
      Online: 20