Trong không khí hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh (1.4.1947 – 1.4.2017), chúng tôi có dịp về thăm xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi) nơi in dấu ngày đầu thành lập cơ quan chỉ huy của LLVT tỉnh.

Đi trên những con đường bê tông phong quang, ngắm những ngôi nhà cao tầng vươn mình trong nắng mới, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên mướt mát màu xanh của những cánh đồng, những thửa vườn… chúng tôi phần nào cảm nhận được sức sống mới của mảnh đất Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. 70 năm đã trôi qua, phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đang nỗ lực vươn lên tô những gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nhà lưu niệm nơi thành lập Tỉnh đội dân quân Hưng Yên
Nhà lưu niệm nơi thành lập Tỉnh đội dân quân Hưng Yên
Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hồ Tùng Mậu (1930 - 2010), trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng như bao làng quê khác, người dân trong xã sống trong cảnh lầm than, cơ cực. Từ đó, ý chí đấu tranh cách mạng cũng ươm mầm nảy nở trong quần chúng nhân dân trên địa bàn xã. Phong trào đấu tranh cách mạng của người dân được nhen nhóm, nhiều người tham gia vào tổ chức Việt Minh. 

 Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Hồ Tùng Mậu dưới lá cờ của Mặt trận Việt Minh diễn ra nhanh gọn, mau lẹ, kịp thời, không đổ máu. Chính quyền cách mạng ra đời, Ủy ban Cách mạng lâm thời xã được thành lập thực hiện nhiệm vụ củng cố chính quyền, ổn định đời sống của người dân. Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, xã Hồ Tùng Mậu trở thành nơi tập kết một số cơ quan của tỉnh sơ tán khỏi thị xã Hưng Yên. 

 Thực hiện Quyết định của Chính phủ và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 1.4.1947, Tỉnh đội dân quân Hưng Yên (nay là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) được thành lập tại thôn Gạo Bắc (xã Hồ Tùng Mậu, Ân Thi). Đồng Nguyễn Hữu Nghị, Ủy viên Quân sự của Ủy ban Kháng chiến – Hành chính tỉnh được bổ nhiệm làm Tỉnh đội trưởng, đồng chí Hoàng Thế Cừ được bổ nhiệm là Chính trị viên. Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho hai đồng chí vừa làm nòng cốt xây dựng cơ quan chỉ huy Tỉnh đội, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện, đề xuất chủ trương thành lập chi bộ Đảng tại Tỉnh đội để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan quân sự của tỉnh và LLVT cấp tỉnh. Đây là cơ quan tham mưu giúp Tỉnh ủy xây dựng lực lượng, lãnh đạo tiến hành cuộc kháng chiến ở địa phương. 

Sau khi Tỉnh đội dân quân được thành lập, các Ban chỉ huy huyện đội, xã đội lần lượt ra đời. Tại xã Hồ Tùng Mậu, được sự lãnh đạo của huyện đội, chi bộ, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính xã chú trọng xây dựng lực lượng dân quân thực hiện nhiệm vụ  rào làng chiến đấu, canh gác, thực hiện phòng gian, bảo mật; phối hợp với bộ đội tỉnh, huyện chặn đánh xe cơ giới của Pháp… 

 Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã đã phối hợp với các lực lượng của tỉnh, huyện tổ chức 35 trận đánh lớn, nhỏ; tiêu diệt 216 tên địch, làm bị thương 287 tên; thu giữ hàng trăm vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch… Xã Hồ Tùng Mậu còn bổ sung hàng trăm thanh niên cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và không ngừng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến chiến đấu đến ngày toàn thắng. 

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ xã Hồ Tùng Mậu đã lãnh đạo nhân dân cùng lực lượng dân quân du kích vừa sản xuất, vừa xây dựng lực lượng sẵn sàng chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Một góc làng quê xã Hồ Tùng Mậu hôm nay

Một góc làng quê xã Hồ Tùng Mậu hôm nay

Năm 2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Hồ Tùng Mậu vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.  

 Để thể hiện tình cảm trân trọng và lòng biết ơn các thế hệ cha anh, năm 2015, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Đảng ủy, UBND xã tiến hành xây dựng nhà bia lưu niệm nơi thành lập Tỉnh đội dân quân. 

Công trình được xây dựng trên khuôn viên có diện tích 482 m2 gồm nhà bia lưu niệm cùng nhiều hạng mục công trình liên quan. Công trình không chỉ ghi dấu mốc son lịch sử của LLVT tỉnh mà còn góp phần thiết thực vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và LLVT tỉnh.

 Nhà bia lưu niệm như lời nhắc nhở, động viên nhân dân trong xã nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Ông Phạm Như Công, Chủ tịch UBND xã tự hào: Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hồ Tùng Mậu luôn cần cù, chịu khó, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đảng ủy, HĐND, UBND xã tập trung chỉ đạo tốt các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, xã tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hàng hóa; gắn công nghiệp, dịch vụ với phát triển bền vững; tập trung khuyến khích phát triển mạnh các ngành có thế mạnh như vận tải, thương nghiệp...; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn… 

Là xã có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Hồ Tùng Mậu đã đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả; duy trì diện tích trồng cây vụ đông; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... Xã đã thực hiện thành công việc dồn thửa đổi ruộng, hình thành nên hệ thống giao thông nội đồng thuận tiện, hệ thống thủy lợi nội đồng được nạo vét, đào mới… bảo đảm 100% số vùng, số thửa thuận lợi trong công tác tưới, tiêu. Năm 2016, tổng thu nhập từ nông nghiệp của xã đạt trên 107 tỷ đồng, giá trị thu nhập bình quân trên một ha canh tác đạt 151 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,8 triệu đồng...  


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
       Bình chọn
      Thống kê: 767.658
      Online: 157